Mùa Hè năm 2020, thế giới đang trong tình trạng phong tỏa hàng loạt do đại dịch Covid-19; và trong giới học thuật và chính sách đối ngoại, tiền điện tử là một trong những chủ đề nóng nhất. Ngân hàng trung ương Trung Quốc được cho là sẽ sớm giới thiệu tiền kỹ thuật số của riêng họ, gọi tắt là CBDC, và nhiều quốc gia khác cũng đã khởi động các dự án nghiên cứu CBDC. Ngay cả Facebook cũng đã đề xuất một loại tiền điện tử toàn cầu, được gọi là Libra.
Vì vậy, khi chi nhánh Boston của FED công bố Dự án Hamilton, dự án hợp tác với Sáng kiến Tiền Kỹ thuật số của MIT để nghiên cứu cách thiết kế một CBDC về mặt kỹ thuật, không mấy người ngạc nhiên. Sở dĩ loại tiền kỹ thuật số giả định của ngân hàng trung ương Mỹ không gây ra tranh cãi bởi đơn giản là Mỹ không thể để bị bỏ lại phía sau. Nhưng mọi thứ đã thay đổi...
“Chết từ trong trứng nước”?
Ba năm sau, đồng USD kỹ thuật số - mặc dù chưa từng tồn tại và FED cũng đã khẳng định không có kế hoạch phát hành - đã trở thành chủ đề được sử dụng với mục đích chính trị. Tranh thủ sự phản đối rộng rãi của cử tri đối với sự giám sát của chính phủ, một nhóm các chính trị gia chống CBDC đã xuất hiện với thông điệp rằng đồng USD kỹ thuật số là “con quái vật”.
Thật khó để xác định thời điểm động lực thay đổi, nhưng một tín hiệu báo động đối với CBDC dường như đã xuất hiện sau khi Tổng thống Joe Biden hồi tháng 3/2022 ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố chính quyền sẽ “nhanh chóng thúc đẩy nỗ lực nghiên cứu và phát triển các phương án thiết kế và triển khai CBDC của Mỹ”. Nhưng, các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra các dự luật nhằm đảm bảo một CBDC sẽ không bao giờ ra mắt. Các ứng cử viên tổng thống thậm chí còn vận động chống lại ý tưởng phát hành đồng USD kỹ thuật số.
Ron DeSantis, Thống đốc bang Florida, ứng cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa, hồi tháng 5 tuyên bố rằng “bất cứ ai mở to mắt đều có thể thấy sự nguy hiểm tiềm tàng mà đồng USD kỹ thuật số sẽ gây ra cho những doanh nghiệp Mỹ không muốn chính phủ biết mọi giao dịch mà họ đang thực hiện trong thời gian thực”. Trong các bài phát biểu vận động tranh cử, DeSantis đã mô tả một tương lai đen tối khi chính phủ dùng CBDC để ngăn người dân mua súng hay nhiên liệu hóa thạch.
Dự án Hamilton bị bỏ rơi trước khi chào đời
Mục tiêu của Dự án Hamilton là xây dựng và thử nghiệm chỉ một “mắt xích” trong hệ thống tiềm năng: cách xử lý an toàn và linh hoạt cùng một lượng giao dịch mà các mạng thẻ thanh toán lớn xử lý. Giai đoạn đầu tiên của Dự án Hamilton đã chứng minh một phương pháp kỹ thuật khả thi và các nhà nghiên cứu đã hứa hẹn rằng “Giai đoạn 2” sẽ khám phá các phương pháp tiếp cận tinh vi đối với quyền riêng tư. Tuy nhiên, cuối năm 2022, ngay sau khi dự án bị các nhà lập pháp phản đối CBDC đưa ra mổ xẻ, FED Boston đã ngừng dự án. Giờ đây, nghiên cứu thiết kế kỹ thuật mà Dự án Hamilton đã theo đuổi có thể phải do một cơ quan khác ngoài ngân hàng trung ương thực hiện.
Và một đồng USD kỹ thuật số dường như ít có khả năng được triển khai hơn bao giờ hết.
Những ý kiến phản đối FED tham gia cùng một số ngân hàng trung ương khác triển khai đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình coi đó như một giải pháp để nghiên cứu. Rốt cuộc, “đồng bạc xanh” vốn đã được xem là tiền kỹ thuật số. Khi thanh toán bằng thẻ ghi nợ, tức là bạn đã thanh toán bằng USD kỹ thuật số.
Nhiều ý kiến lập luận rằng việc Trung Quốc quyết định thí điểm một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành không phải là lý do để Mỹ theo đuổi tiền điện tử. Libra đã không thể ra mắt; loại tiền kỹ thuật số toàn cầu do một công ty công nghệ phát hành đã trở thành dĩ vãng. Một loại tiền kỹ thuật số do chính phủ phát hành sẽ phục vụ mục đích gì ngoài việc cung cấp cho chính phủ công cụ để giám sát hành vi chi tiêu và kiểm soát tiêu dùng tài chính của người dân?
“Tiền mặt hóa” đồng USD kỹ thuật số?
Nhưng có một vấn đề - có thể là vấn đề mà chính bạn cũng nhận thấy. Đồng tiền vật lý (tiền mặt) đang dần biến mất. Ngày càng ít nhà cung cấp chấp nhận tiền giấy và tiền xu. Và người tiêu dùng cũng ít sử dụng tiền mặt hơn. Điều này một phần là do sự thuận tiện, nhưng còn một lý do quan trọng khác: bạn không thể sử dụng tiền mặt để mua hàng trực tuyến.
Theo nghiên cứu của chi nhánh FED ở San Francisco, tại Mỹ, thanh toán tiền mặt chỉ chiếm 18% tổng số các khoản thanh toán trong năm 2022, giảm so với 31% của năm 2016. Bên ngoài nước Mỹ, mọi thứ thậm chí còn tiến xa hơn trên con đường hướng tới một xã hội phi tiền mặt. Đây cũng là lý do chính khiến hơn 100 quốc gia đang nghiên cứu ý tưởng tạo ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ.
Giáo sư luật Rohan Grey tại Đại học Willamette cho rằng giải pháp là nghiên cứu một loại tiền kỹ thuật số có tất cả các tính năng của tiền vật lý. Ông lập luận: “Không thể sử dụng tiền mặt trên Amazon chỉ là một lập luận nhằm ủng hộ loại tiền kỹ thuật số do chính phủ phát hành. Ở Mỹ, nhiều người sử dụng tiền giấy và tiền xu vì họ không có tài khoản ngân hàng và không có thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang ước tính trong năm 2021, có 5,9 triệu hộ gia đình Mỹ không có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, tiền mặt có những “đặc điểm xã hội” độc đáo cần được duy trì, trong đó có tính riêng tư và tính ẩn danh. Không ai có thể theo dõi bạn tiêu tiền hay gửi tiết kiệm ở đâu, như thế nào và lúc nào.
Rào cản đối với đồng USD kỹ thuật số
Trên lý thuyết, đồng USD kỹ thuật số có thể giúp người dân dễ tiếp cận với hệ thống tài chính, nhưng trên thực tế nó đòi hỏi phải có điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng, điều mà người có thu nhập thấp khó đáp ứng. Nhiều ngân hàng lo ngại việc “kỹ thuật số” đồng tiền có thể gây bất ổn hệ thống ngân hàng, trong khi các chính trị gia cảnh báo quyền riêng tư của người dùng bị xâm phạm.
Năm ngoái, Giáo sư Grey đã giúp soạn thảo một dự luật của Hạ viện Mỹ có tên Đạo luật về tiền điện tử và phần cứng bảo mật (ECASH). Đạo luật, do Hạ nghị sĩ Dân chủ Stephen Lynch đề xuất, hướng dẫn Bộ Tài chính nghiên cứu đồng USD kỹ thuật số có thể được sử dụng cả trực tuyến và ngoại tuyến và có các tính năng giống như tiền mặt, “bao gồm tính ẩn danh, quyền riêng tư và cung cấp dữ liệu giao dịch ở mức tối thiểu”.
DeSantis và những người phản đối CBDC rất có thể đồng ý với Giáo sư Grey rằng nên sao chép quyền riêng tư của tiền mặt ở dạng kỹ thuật số. Nhưng điểm khác là, Grey ủng hộ một hệ thống do chính phủ kiểm soát, trong khi những người chống CBDC có vẻ thích mô hình mạng tiền điện tử phi tập trung hơn, không bị kiểm soát bởi bất kỳ cơ quan trung ương nào.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Emmer, người đã đề xuất dự luật cấm FED phát hành tiền kỹ thuật số, đã nhiều lần tuyên bố CBDC phải “rõ ràng, không yêu cầu pháp định và riêng tư”. “Không yêu cầu pháp định” là thuật ngữ để chỉ các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum, các loại tiền ảo mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nếu có kết nối Internet.
Làm thế nào loại tiền do ngân hàng trung ương phát hành có thể được kiểm soát bởi một mạng tiền điện tử không được cấp phép? Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự cũng gặp vấn đề về quyền riêng tư. Mặc dù người dùng sử dụng tên giả, nhưng thông tin về người gửi, người nhận và số tiền giao dịch đều được công bố trên blockchain. Các nhà điều tra rất giỏi sử dụng manh mối, chẳng hạn như thông tin cá nhân mà người dùng chia sẻ với các sàn giao dịch tiền điện tử, để tìm ra danh tính thực của người dùng.
Theo Giáo sư Grey, sử dụng blockchain là không đủ, vì nhiều người không có quyền truy cập Internet. Ông hình dung những tấm thẻ có thể được kết nối với nhau hoặc với điện thoại thông minh để giao dịch ẩn danh, trực tuyến hoặc ngoại tuyến. Tuy nhiên, ông thừa nhận có một số câu hỏi kỹ thuật chưa được giải đáp về cách thực hiện chúng một cách an toàn.