Ngoài Pháp, các nước khác gồm Đức, Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ireland, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển đã ký tuyên bố được Bộ Hàng hải Pháp đưa ra tại Hội đồng Bộ trưởng Nông nghiệp và Đánh cá châu Âu họp ở Luxembourg, trong đó nhấn mạnh rằng cách xử lý của Anh “đối với yêu cầu cấp giấy phép đánh bắt là không đầy đủ và không phù hợp".
Thỏa thuận hậu Brexit đạt được giữa London và Brussels có điều khoản quy định rằng các ngư dân châu Âu có thể tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh với điều kiện họ phải có giấy phép, được cấp nếu họ có thể chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này từ trước đó...
Tuy nhiên, Pháp và Anh không đạt được nhất trí về tính chất và mức độ của các giấy phép. Tại các khu vực đánh bắt vẫn còn tranh chấp (cách bờ biển Anh và quần đảo Channel 6-12 dặm), Anh và hòn đảo tự trị Jersey do London quản lý đã cấp tổng cộng hơn 200 giấy phép còn hạn, trong khi Pháp vẫn yêu cầu 244 giấy phép.
Bà Annick Girardin, Bộ trưởng Hàng hải Pháp nhấn mạnh trong thông cáo báo chí: "Tuyên bố chung này đánh dấu một bước quan trọng bởi vì chỉ có một phản ứng tập thể mới cho phép EU xem xét kỹ càng về việc tiếp tục các cuộc đàm phán với đối tác Anh”.
Bà Annick Girardin cũng cho biết thêm rằng phản ứng của EU và Pháp đối với cách xử lý của Anh sẽ được công khai trong nửa cuối tháng 10/2021 và có thể sẽ bao gồm các biện pháp đáp trả.