Phóng viên TTXVN tại Trung Đông đưa tin, trên thị trường chợ đen, giá trị đồng bảng của Liban đã “xuyên thủng” ngưỡng tâm lý quan trọng là 50.000 bảng đổi 1 USD trong ngày 19/1, trong khi tỷ giá chính thức vẫn ở mức 1.507 bảng đổi 1 USD.
Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có tiền lệ vào cuối năm 2019, đồng nội tệ của Liban đã mất hơn 95% giá trị và đẩy phần lớn dân số vào cảnh nghèo đói. Bế tắc chính trị giữa các phe phái đã khiến Liban hầu như bỏ trống vị trí lãnh đạo đất nước và ngày càng lún sâu vào bất ổn chính trị cũng như khủng hoảng kinh tế.
Trong phiên họp thứ 11 được triệu tập ngày 19/1, Quốc hội Liban tiếp tục thất bại trong nỗ lực bầu tổng thống mới khi không thể đưa ra được một ứng cử viên đồng thuận do những bất đồng sâu sắc giữa hai phe ủng hộ và chống Phong trào Hezbollah. Đây cũng là lần thứ 11 Quốc hội Liban không thể bầu được tổng thống mới kế vị ông Michel Aoun đã kết thúc nhiệm kỳ ngày 31/10/2022.
Trước đó, Quốc hội Liban cũng đã phải tiến hành tới 45 cuộc bỏ phiếu mới đạt được đồng thuận về ứng cử viên, tiền đề cho việc bầu ông Aoun làm tổng thống vào năm 2016 sau hơn 2 năm vị trí này bị bỏ trống.
Theo một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới, trong 4 tháng cuối năm 2022, tại Liban có tới 1,29 triệu công dân và 700.000 người tị nạn Syria phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Khó ai có thể hình dung đây là thực tế diễn ra ở đất nước từng được mệnh danh là "Thụy Sĩ của Trung Đông" và có vai trò như một trung tâm tài chính của khu vực. Ngoài không bầu được tổng thống, việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Liban đang bị châu Âu điều tra và đất nước đang được dẫn dắt bởi một chính phủ lâm thời cũng là nguyên nhân khiến quốc gia Trung Đông này khó tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng kép hiện nay.