Phát biểu tại phiên họp của Quốc hội, Thống đốc Kuroda nhận định sự suy yếu nhanh và một chiều của đồng yen sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Nhật Bản, khiến các công ty nước này gặp nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, nếu xu hướng suy yếu của đồng yen ổn định, đó lại là một lợi thế cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, khi giúp tăng lợi nhuận ở nước ngoài cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Trong phiên giao dịch ngày 19/10 tại thị trường Tokyo, đồng yen đã xuống mức thấp kỷ lục mới trong 32 năm so với đồng USD trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, trong khi BOJ vẫn kiên định với chính sách tiền tệ siêu lỏng. Cụ thể, vào lúc 17h giờ địa phương, tỷ giá giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 149,33-149,36 yen/USD.
Bất chấp khả năng đồng yen mất giá có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế, chỉ số thị trường chứng khoán Tokyo vẫn tăng nhẹ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/10, chỉ số Nikkei-225 tăng 0,37% so với mức giá đóng cửa trong phiên giao dịch trước lên 27.257,38 điểm, trong khi chỉ số Topix cũng tăng 0,19% lên 1.905,06 điểm. Các cổ phiếu tăng giá chính thuộc các ngành điện lực, khí đốt, công nghệ thông tin và bất động sản.
Trước đó, Thống đốc Kuroda đã tái khẳng định cam kết duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang không ổn định của nước này. Ông cho rằng nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trong quá trình hồi phục sau dịch COVID-19. Giá cả hàng hóa tăng cao đang khiến dòng thu nhập của Nhật Bản chảy ra nước ngoài, làm tăng áp lực suy thoái đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Thống đốc Kuroda nhấn mạnh tại thời điểm hiện nay, việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là phù hợp bởi đây là điều cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát một cách bền vững, ổn định đi cùng với việc tăng lương.