Theo đó, từ những nhà hàng cho tới các công trình xây dựng đều có sự hiện diện của người lao động Triều Tiên. Họ làm việc tại Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Một công trình xây dựng tại Dubai, UAE. Ảnh: arabianbusiness.com |
AP dẫn nguồn tin giấu tên cho biết người lao động Triều Tiên còn làm việc tại công trường mở rộng căn cứ không quân Al-Dhafra của UAE nơi khoảng 5.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú khi tham gia chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Các quan chức UAE hiện chưa hồi đáp câu hỏi của AP về vụ việc.
Lãnh đạo công ty tư vấn rủi ro chính trị Gulf State Analytics có trụ sở tại Mỹ, ông Giorgio Cafiero nhận định: “Nói đơn giản, một quốc gia như Triều Tiên luôn tìm kiếm những đồng tiền mạnh. Vùng Vịnh được người Triều Tiên coi là địa điểm đáng tin tưởng để kiếm tiền”.
Vào năm 2015, Liên hợp quốc đưa ra báo cáo rằng có hơn 50.000 người Triều Tiên lao động ở nước ngoài và mang về cho Bình Nhưỡng từ 1,2 đến 2,3 tỉ USD/năm. Người Triều Tiên chủ yếu làm việc tại Trung Quốc và Nga nhưng Vùng Vịnh cũng là một địa điểm được lựa chọn.
Ông Go Myong-Hyun tại Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) phân tích: “Lý do khiến một số nước Trung Đông ưu ái thuê người lao động Triều Tiên là bởi trước hết tỷ lệ biến động nhân sự của họ rất thấp. Điều đó có nghĩa là người lao động Triều Tiên không bỏ chạy và họ sẽ làm việc ở đó ít nhất 3 năm. Bên cạnh đó, tiền công của họ cũng khá rẻ”.
Theo nguồn tin của AP, khắp các nước Vùng Vịnh có khoảng 6.000 người lao động Triều Tiên, trong đó đông nhất là tại Kuwait với khoảng 2.500 người, tiếp đến là Qatar với 2.000 người và UAE với khoảng 1.500 người.
Hiện tại Đại sứ quán duy nhất của Triều Tiên trong khu vực Vùng Vịnh tọa lạc ở Kuwait. Các nhân vật cấp cao tại Đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô của Kuwait hiện không hồi đáp câu hỏi từ AP.
Triều Tiên có mối quan hệ lịch sử phức tạp với Vùng Vịnh. Vào thập niên 1960 của thế kỷ trước Triều Tiên từng huấn luyện lực lượng khởi nghĩa Dhofar tại Oman. Ngoài ra, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) năm 1991 cho biết cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, Triều Tiên đã bán tên lửa Scud do Bình Nhưỡng sản xuất cho Iran và Yemen.