Đối phó với nạn tin giả, Australia cảnh báo sẽ phạt nặng các 'gã khổng lồ’ công nghệ

Các gã khổng lồ công nghệ trên thế giới có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt hàng tỷ USD nếu không ngăn chặn được việc phát tán thông tin sai lệch.

Chú thích ảnh
Các gã khổng lồ công nghệ có thể bị phạt nặng tại Australia. Ảnh minh họa

Cơ quan quản lý thông tin và truyền thông Australia ngày 26/6 cho biết đã soạn thảo một dự luật liên quan tới việc xử lý thông tin giả trên không gian mạng với những qui định mang tính “bắt buộc” cho lĩnh vực đến vốn ít bị quản lý này.

Theo dự luật, chủ sở hữu của các nền tảng như Facebook, Google, Twitter, TikTok và các dịch vụ podcast sẽ phải đối mặt với các hình phạt có giá trị lên tới 5% doanh thu toàn cầu hàng năm, mức phạt cao nhất được đề xuất cho tới thời điểm này trên thế giới.

Cơ quan quản lý thông tin và truyền thông Australia, đơn vị giám sát của chính phủ, sẽ được cấp một loạt quyền hạn để buộc các công ty ngăn chặn thông tin giả mạo hoặc việc phát tán thông tin sai lệch, cũng như ngăn chặn hoạt động kiếm tiền từ các thông tin này.

Người phát ngôn của cơ quan quản lý truyền thông Australia nhấn mạnh: "Nếu dự luật được thông qua, sẽ cung cấp cho cơ quan quản lý một loạt các quyền hạn mới để buộc thông tin từ các nền tảng kỹ thuật số phải đăng ký và tuân thủ các quy tắc bắt buộc cũng như đưa ra các tiêu chuẩn trong lĩnh vực này".

Cơ quan giám sát sẽ không có quyền gỡ bỏ hoặc xử phạt các bài đăng riêng lẻ nhưng thay vào đó, có thể trừng phạt các nền tảng vì không giám sát và xử lý các nội dung cố ý "làm sai lệch, gây hiểu lầm và lừa đảo" có thể gây ra "tác hại nghiêm trọng".

Các quy tắc này cũng tương tự như một đạo luật đã được thông qua ở Liên minh châu Âu và dự kiến sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, nơi những gã khổng lồ công nghệ có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt cao tới 6% doanh thu hàng năm và lệnh cấm hoạt động hoàn toàn trong khối.

Dự luật được đề xuất cũng sẽ giúp củng cố Bộ quy tắc thực hành tự nguyện hiện tại của Australia về tin giả mạo và thông tin sai lệch được đưa ra vào năm 2021, nhưng đến nay chỉ có tác động hạn chế.

Những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Adobe, Apple, Facebook, Google, Microsoft, Redbubble, TikTok và Twitter là những công ty đã ký kết bộ quy tắc hiện tại.

Dự luật được đưa ra trong bối cảnh gia tăng thông tin giả mạo tại Australia liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về quyền của người bản địa vào cuối năm nay.

Dư luận hy vọng nhưng qui định mới sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các gã khổng lồ công nghệ, đồng thời giúp môi trường internet trở nên an toàn hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng tại quốc gia này.

Hoài Nam/Báo Tin tức (Theo AFP)
Các công ty công nghệ lớn sẵn sàng nộp phạt thay vì tuân thủ quy định
Các công ty công nghệ lớn sẵn sàng nộp phạt thay vì tuân thủ quy định

Một số công ty công nghệ hàng đầu có thể sẽ lựa chọn trả tiền phạt thay vì tuân thủ các quy định về chống độc quyền. Đây là nhận định mới được Phó chủ tịch, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề số hóa và cạnh tranh Margrethe Vestager đưa ra ngày 23/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN