Ngày lễ này được cử hành chính thức vào ngày 25/12 nhưng thường được chào mừng từ tối ngày 24/12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ Giáng sinh có những cách thức tổ chức khác nhau tùy từng quốc gia trên thế giới. Dưới đây là phong tục đón Giáng sinh tại một số nước trên thế giới.
Xứ sở cờ hoa
Đối với hàng triệu người dân Mỹ, lễ Giáng sinh đồng nghĩa với hàng loạt các hoạt động mang tính truyền thống, từ nướng bánh và trang trí bánh Giáng sinh cho đến việc trang hoàng cây thông Noel bằng những đồ trang trí quen thuộc. Họ luôn tất bật tìm kiếm tại các cửa hàng cũng như trên Internet để mua bằng được những món quà hoàn hảo trong khi thưởng thức các bài hát mừng Giáng sinh. Cũng trong dịp này, họ có thể hòa vào không khí lễ hội trong những cuộc diễu hành mừng lễ Giáng sinh, thưởng thức các buổi hòa nhạc hay xem các bộ phim Giáng sinh cổ điển với một cốc rượu sữa trứng hay một ly ca cao ấm nóng.
Xứ chuột túi
Không lò sưởi, không tuyết trắng như ở các quốc gia ở Bắc bán cầu, Australia mùa Giáng sinh trong rực rỡ nắng vàng trên những bãi biển lộng gió và cát. Vào ngày Giáng sinh, nhiều gia đình thường ăn mừng với một bữa tiệc nướng vào buổi trưa, và sau đó tiến thẳng tới bãi biển. Ông già Noel tại Australia cũng có mặt tại các bãi biển, thậm chí theo cách hết sức đặc biệt khi xuất hiện trên ván lướt sóng thay vì đi trên chiếc xe trượt tuyết đặc trưng. Ngoài ra, lễ Giáng sinh truyền thống tại Australia cũng là dịp tổ chức "Carols by Candlelight" - lễ hội đèn cầy có lịch sử từ năm 1937 - tại các thành phố và thị trấn trên khắp "xứ sở chuột túi". Các gia đình sẽ tập trung tại các khu vực trung tâm, thắp nến lung linh và cùng ngân vang những bài thánh ca mừng Giáng sinh. Hai nhà hát lớn nhất là nhà hát Con Sò ở Sydney và nhà hát Melbourne được truyền hình trực tiếp, trở thành nét văn hóa không thể thiếu của Australia.
Xứ Hoa hạ
Không như nhiều quốc gia khác trên thế giới nhắc tới Giáng sinh là liên tưởng tới kẹo và bánh ngọt, tại Trung Quốc, táo là món ăn được lựa chọn trong dịp lễ trọng này. Phong tục này được cho xuất phát từ sự đồng âm của từ "táo" được phát âm trong tiếng Trung là "ping guo" - với từ "Đêm Giáng sinh" trong tiếng Trung là "ping'an ye" (cũng có nghĩa là "đêm Bình an"). Do đó, vào ngày này, họ thường trao tặng những quả táo, được bọc trong những giấy gói sắc màu hay được trang trí họa tiết mang đậm dấu ấn của văn hóa Trung Quốc, thay cho lời chúc bình an, hạnh phúc đến những người thân yêu. Mặc dù Giáng sinh không phải là một ngày lễ chính thức ở Trung Quốc, nhưng lại đang ngày càng được tổ chức rầm rộ hơn qua mỗi năm.
Xứ pha lê
Đối với người dân Séc, cá chép tượng trưng cho sự may mắn và là món ăn không thể thiếu trong dịp Giáng sinh. Để chuẩn bị cho bữa tiệc Giáng sinh, từ những tuần trước đó, nhiều gia đình mua cá chép sống về nuôi trước khi chế biến món ăn. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều gia đình lựa chọn cách thả cá chép xuống sông vào đêm Giáng sinh như một hình thức phóng sinh. Giáng sinh cũng là dịp đặc biệt đối với những cô gái trẻ độc thân ở Séc. Họ sẽ đứng quay lưng vào cổng nhà và ném giày qua vai để xem chuyện tình yêu của mình trong năm mới. Nếu mũi giày quay vào cửa chính, cô gái đó sẽ tìm được "một nửa" của mình và có thể được cầu hôn trong năm mới.
Xứ Phù Tang
Ở Nhật Bản, hình ảnh ông già đeo kính với bộ râu trắng - biểu tượng của chuỗi thương hiệu gà rán KFC - đã gắn liền với lễ Giáng sinh. Thực vậy, tại Nhật Bản, nhắc tới Giáng sinh thì phải nhắc tới gà rán KFC. Chuyện kể rằng vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, quản lý của KFC đầu tiên ở Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Takeshi Okawara, đã quảng bá sản phẩm của mình bằng một "bữa tiệc" gà rán để bán vào dịp Giáng sinh. Ông cho biết ý tưởng này nảy sinh khi nghe một người khách nước ngoài phàn nàn vì không mua được gà Tây dịp Giáng sinh. Và một bữa tối với gà rán theo ông sẽ là một sự thay thế tuyệt vời. Vào năm 1974, KFC đã trình làng chiến dịch tiếp thị toàn quốc với tên gọi "Kentucky cho Giáng sinh" và chương trình nhanh chóng đem lại thành công cho KFC. Tính tới năm 2016, ước tính khoảng 3,6 triệu gia đình Nhật Bản xum vầy bên... thùng gà KFC và nó đã trở thành một truyền thống chỉ có tại đất nước "Mặt trời mọc".
Xứ sương mù
"Pháo Giáng sinh" là một phần "không thể thiếu" trong dịp lễ Giáng sinh của Anh. Hãng tin BBC mô tả đây là "một cái ống bìa các tông 3 ngăn, được bọc trong giấy màu rực rỡ" với hình dạng giống một cái kẹo. Bên trong có chứa một món đồ chơi nhỏ, một câu chuyện đùa hoặc một điều bí ẩn được viết trên giấy và một vương miện bằng giấy. Sau bữa tiệc, hai người sẽ kéo hai bên "chiếc pháo" này, khiến pháo "nổ" và lộ ra phần quà bên trong.
Mexico
Tại các thành phố và thị trấn trên khắp Mexico, lễ hội Giáng sinh còn gọi là lễ hội Las Posadas được tổ chức từ ngày 16 đến 24/12. Las Posadas tưởng niệm hành trình đầy gian khổ của thánh Joseph và đức mẹ Mary từ Nazareth đến Bethlehem để tìm kiếm một nơi an toàn để đức mẹ có thể hạ sinh ra Chúa Giê-su. Trong tiếng Tây Ban Nha, "Las Posadas" có nghĩa là "nhà trọ" hoặc "nơi trú ẩn". Ngày lễ kéo dài 9 ngày tượng trưng cho 9 tháng mang thai của đức mẹ Mary. Mỗi đêm sẽ có một bữa tiệc được tổ chức ở nhà một trong những người hàng xóm láng giếng trong khu dân cư. "Người hành hướng" đứng trước cửa chủ nhà hát một bài hát xin chỗ trú ngụ, sau đó chủ nhà sẽ mở cửa mời vào với các bàn tiệc được bày sẵn. Trong đêm cuối cùng, những đưa trẻ sẽ đập vỡ piñatas - những con rối làm bằng giấy hoặc ni-lông chứa rất nhiều kẹo và đồ chơi.
Na Uy
Việc giấu tất cả các chiếc chổi trước khi đi ngủ đã trở thành một phong tục đặc trưng của các gia đình Na Uy trong đêm Giáng sinh. Người Na Uy tin rằng những linh hồn lưu lạc và phù thủy độc ác sẽ xuất hiện vào đêm Giáng sinh để đánh cắp bất kỳ chiếc chổi nào để bay lên trời gieo tai họa và gây rắc rối. Ngoài ra, món bánh pudding gạo ngọt ngào mang tên "riskrem" cũng trở thành món tráng miệng không thể thiếu đối với người dân Na Uy trong ngày Giáng sinh. Các gia đình sẽ đặt một quả hạnh nhân duy nhất bên trong bánh gạo, và ai tìm thấy nó sẽ nhận được một giải thưởng nhỏ, và được xem là may mắn.
Philippines
Philippines tận hưởng mùa Giáng sinh dài nhất và xa hoa nhất trên thế giới, với những đường phố, nhà hàng cho đến các trung tâm thương mại đều ngập tràn ánh nến, đèn màu. Người dân bắt đầu trang hoàng nhà cửa và các lễ hội được tổ chức từ tháng 9 cho tới hết tháng 1 năm sau. Những chiếc đèn lồng Giáng sinh đặc biệt gọi là "parols", mang ý nghĩa là sự chiến thắng của ánh sáng trước đêm đen, làm bằng tre và giấy được treo khắp các thị trấn và làng mạc, một số nơi thậm chí còn tổ chức các cuộc thi trang trí Giáng sinh đẹp nhất. Giáng sinh cũng là dịp các gia đình quây quần bên nhau thưởng thức các bữa tiệc với những món ăn truyền thống như bánh puto bumbong làm từ một loại gạo nếp đặc biệt có màu tím, bơ, đường và dừa.