Tủ quần áo của Manneken Pis hiện nay có đến hơn 1.000 bộ trang phục do nhiều quốc gia trên thế giới trao tặng, trong đó có bộ áo dài khăn xếp do Đại sứ quán Việt Nam ở Bỉ tặng năm 2012.
Bảo tàng trang phục Manneken Pis nằm cách bức tượng đồng nổi tiếng này vài bước chân, trên khu Quảng trường Lớn ở trung tâm thủ đô Brussels. Bức tượng “Chú bé tè”, cao 55 cm, xuất hiện từ thế kỷ 15, là một trong những biểu tượng của thủ đô Brussels, thu hút đông nhất khách du lịch tới tham quan, chụp ảnh khi họ ghé thăm thủ đô của nước Bỉ.
Truyền thống mặc trang phục cho bức tượng bắt đầu từ năm 1615. Hiện nay, bảo tàng còn lưu giữ bộ trang phục cổ nhất của Manneken Pis là do Vua Louis XV của Pháp tặng vào năm 1747.
Bắt đầu từ thế kỷ XVIII, mỗi năm bức tượng được thay trang phục 4 lần, vào những dịp lễ hội đặc biệt.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Gonzague Pluvinage, quản lý Bảo tàng trang phục Manneken Pis cho biết việc thay đổi trang phục cho bức tượng được thực hiện theo mùa hoặc lễ hội truyền thống: trang phục của Thánh Nicolas vào đầu tháng 12, màu sắc của Câu lạc bộ leo núi Alpine của Bỉ, trang phục Ông già Noel vào ngày 24/12 hay đeo bao cao su cho ngày Thế giới phòng chống căn bệnh thế kỷ AIDS (1/12). Hiện nay, hàng năm, “Chú bé tè” được mặc 130 bộ quần áo.
Tới thăm bảo tàng, du khách thích thú khi được ngắm nhìn “Chú bé tè” mặc những những bộ quần áo rất đa dạng, từ trang phục truyền thống cho đến những bộ trang phục độc đáo của ca sĩ Elvis Presley, Dracula, một cầu thủ bóng đá, một vận động viên đua xe đạp trong giải Tour de France, một hầu tước, Vua Louis XV, Napoleon, Giáo hoàng, ca sĩ người Pháp Maurice Chevalier và thậm chí một người Inca từ Peru.
Lần đầu tiên đến thăm bảo tàng, chị Katell André, một sinh viên người Pháp, rất ấn tượng với bộ sưu tập khổng lồ trang phục của “Chú bé tè”. Chị nói rằng rất thích thú khi thấy cậu bé Manneken Pis diện trang phục của vua Pháp Louis XV. Bảo tàng này không chỉ là điểm du lịch mà còn giúp các sinh viên như chị hiểu thêm về lịch sử của bức tượng độc đáo của thủ đô Brussels.
Bộ sưu tập quần áo của “Chú bé tè” hiện lên đến 1.098 bộ. Mỗi năm, bảo tàng lại được nhận từ 25-30 bộ quần áo mới do các sứ quán hoặc các tổ chức quần chúng trao tặng. Những bộ trang phục được tặng không mang tính chất thương mại, quảng cáo hay chính trị. Do diện tích bảo tàng khiêm tốn nên rất nhiều bộ trang phục các quốc gia tặng cho Manneken Pis không được trưng bày mà cất giữ trong kho.
Không chỉ là một điểm tham quan của du khách khi tới Brussels mà Bảo tàng trang phục của Manneken Pis hiện nay còn được các bác sĩ tâm thần chỉ định cho những người bị rối loạn tâm thần đến thăm để chữa chứng bệnh trầm cảm.
Bà Delphine Houba, Phó thị trưởng phụ trách văn hóa ở Brussels, người khởi xướng sáng kiến này cho biết: “Coronavirus đã nhắc nhở chúng tôi rằng văn hóa rất cần thiết cho sức khỏe tâm thần”.
Theo đánh giá toàn diện về các bằng chứng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghệ thuật có thể đóng một “vai trò chính” trong việc tăng cường sức khỏe, và quản lý và điều trị bệnh tật trong suốt cuộc đời. Là một phần của dự án đầu tiên thuộc loại hình này ở châu Âu, các bệnh viện ở Brussels đang chuyển sang nghệ thuật và văn hóa để giúp điều trị những người bị căng thẳng, trầm cảm hoặc kiệt sức.
Tiến sĩ Vincent Lustygier, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đại học Brugmann cho biết: “Nghệ thuật giúp tất cả con người quên rằng chúng ta là người phàm trần. Trong thời kỳ đại dịch, cái chết đã trở thành thứ chờ đợi bên ngoài cửa nhà bạn. Sau đó, chúng tôi đã thấy sự lan rộng của bệnh tâm thần”.
Đến thăm Bảo tàng quần áo của Manneken Pis, du khách sẽ có thể "đi khắp thế giới" qua tủ quần áo của biểu tượng nổi tiếng của Brussels và điều này giúp các bệnh nhân trầm cảm cảm thấy thích thú và do đó, sức khỏe tâm thần được cải thiện.