Doanh số “ma” của ô tô Đức thời khủng hoảng

Werner Entenmann, doanh nhân điều hành một đại lý xe BMW ở vùng tây nam giàu có của Đức, từ lâu đã sống dễ chịu với việc bán xe sedan hạng sang cho những khách hàng well-heel ở giá niêm yết hoặc gần sát giá chính thức. Nhưng mùa hè này thì khác, ngày càng nhiều khách hàng kỳ kèo mặc cả giá với Entenmann.


“Mỗi ngày, các khách hàng đến showroom của chúng tôi đem theo nhiều mời chào từ các thương hiệu khác, hoặc các đại lý BMW khác”, Entenmann cho biết. Là chủ đại lý Autohas Entenmann gần Stuttgart, nơi từng bán khoảng 2.200 chiếc xe mỗi năm, Entenmann không giấu giếm rằng, lợi nhuận của ông đang giảm mạnh khi các khoản chiết khấu “ăn” cả vào phần lãi.


Nhân viên kiểm tra một chiếc BMW serie 3 đã hoàn tất trong phần cuối của dây chuyền sản xuất.


Nguồn lợi co lại của Entenmann phản ánh những hậu quả đang lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ công, cho dù Đức, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, vẫn là một điểm sáng giữa bức tranh u ám chung của cựu lục địa. Theo số liệu của tổ chức thương mại ACEA, ngành sản xuất xe hơi tại nước này đạt mức tăng trưởng 0,7% trong quý I/2012, trong khi các đồng nghiệp ở Italia đang hứng chịu tình cảnh doanh số sụt giảm tới 20%, còn tại Pháp cũng giảm 14%. ACEA dự báo doanh số xe hơi tại Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1995.


Cuộc khủng hoảng nợ đang bóp nghẹt nhu cầu trên các thị trường xe hơi, các nhà sản xuất ô tô đua nhau đẩy mạnh bán hàng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu bất kể khách hàng có thực sự quan tâm đến việc mua xe vào lúc này hay không.


Theo hiệp hội các đại lý ô tô ZDK của Đức, trong tháng 6, có 87.454 chiếc xe đã được các nhà sản xuất và đại lý đăng ký trước, thay vì người tiêu dùng, chiếm 29% tổng xe đăng ký. Tình trạng đăng ký trước như vậy, trong nửa đầu năm nay, đã lên tới con số 479.385 chiếc, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.


Chiết khấu “tắm máu”


Để “giải phóng” được những chiếc xe đã đăng ký trước khỏi các nhà để xe, các đại lý đã nhanh chóng bán chúng như những chiếc xe đã sử dụng “zero mile” (“chưa đi dặm nào”) với tỉ lệ chiết khấu tới hơn 20%. Doanh số “ma” này phản ánh áp lực giảm giá, vốn đã lan khắp khu vực Nam Âu, đã đổ tới những thị trường mạnh hơn như Đức và Anh.


“Đó là một cuộc tắm máu nếu nhìn từ góc độ giảm giá”, Andy Palmer, Phó Chủ tịch phụ trách kế hoạch toàn cầu của Nissan Motor, nhận xét. “Chúng tôi làm việc trong một ngành công nghiệp cần số lượng, vì vậy các nhà sản xuất đã đua nhau giảm giá”.


Ngay cả nhánh xe sang Bayerische Motoren Werke AG của BMW cũng đang cảm thấy áp lực. Mặc dù nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Munich này hướng đến đối tượng khách hàng giàu có, và đã dự báo doanh số kỷ lục trong năm nay, sau khi giới thiệu mẫu sedan serie 3 hồi tháng 2 vừa qua, không khó để nhận thấy những cuộc mặc cả cũng xảy ra với mẫu BMW mới này.


Trang web mua bán xe hơi mobile.de đã nhận được hàng chục lời rao từ Italia, trong đó một chiếc BMW 316d thế hệ mới nhất từ một đại lý ở thị trấn Tavagnacco (miền bắc Italia) chỉ có giá 28.400 euro, thấp hơn 16% so với giá niêm yết tại Đức. BMW không phải là duy nhất. Một đại lý ở Rome đề giá một chiếc Mercedes-Benz C200 CDI, số tự động, ghế da và vô lăng hợp kim nhôm trên trang mobile.de là 33.499 euro, giảm 22% so với giá niêm yết của nhà sản xuất Daimler AG (DAI).


Ngày càng nhiều khách hàng Đức mua xe kiểu mặc cả. Tỉ lệ chiết khấu cho xe mới tại Đức đã tăng lên trung bình 12% so với giá niêm yết trong tháng 7, tỉ lệ cao nhất kể từ tháng 8/2010. Trong đó, hãng Fiat SpA của Italia có mức chiết khấu “kịch liệt” nhất, lên tới 14,7%, tiếp theo là PSA Peugeot Citroen và Renault SA, trung bình 14,1%.


“Rượt đuổi” khách hàng


“Các hãng xe đang ‘rượt đuổi’ những khách hàng cuối cùng tại châu Âu, và tất cả những chiếc xe, không thể bán được ở bất cứ nơi nào thuộc Nam Âu, nay đang được chuyển tới Đức”, Arndt Ellinghorst, nhà phân tích của Credit Suisse (có trụ sở tại Luân Đôn, Anh) cho biết.


Các nhà sản xuất ô tô đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái tại châu Âu. Chỉ số Euro Stoxx Autos và Parts Index (của ngành công nghiệp ô tô tại 13 nước thành viên EU) đã giảm 6,6% trong 6 tháng qua. Trong đó, “dẫn đầu” là mức giảm tới 48% của cổ phiếu Peugeot, hãng xe mới công bố con số thua lỗ lên tới 662 triệu euro trong khu vực sản xuất ô tô trong nửa đầu năm nay. Thương hiệu mạnh của Đức là BMW cũng giảm 15%.


Trong môi trường quá khắc nghiệt như hiện tại, các nhà đầu tư đang tăng cường đặt cược vào ngành công nghiệp ô tô. “Nhiều nhà đầu tư của chúng tôi đang theo đuổi số lượng và thị phần, tới một mức độ nào đó, bằng mọi giá”, ông Doug Speck, Giám đốc marketing và bán hàng của Volvo Cars nhận xét. Trong khi đó, các xe đăng ký trước lại thúc đẩy doanh số trong ngắn hạn, và theo Doug, “đó là một trạng thái phởn phơ giả”.


Giá xe BMW đã giảm trung bình từ 1% -1,5% trong năm nay, Giám đốc tài chính Friedrich Eichiner cho biết, mặc dù con số của ông không bao gồm hầu hết các xe đăng ký trước đã bán với mức chiết khấu cực lớn. Theo Eichiner, trong tháng 9 tới, phiên bản Wagon Serie 3 mới toanh của BMW, sẽ được giới thiệu và được kỳ vọng sẽ giúp công ty đối phó với áp lực giảm giá hơn nữa tại châu Âu.


Nhưng điều đó vẫn chưa đủ với Entenmann. Doanh nhân hiện đang lãnh đạo một hiệp hội các đại lý của BMW tại Đức này đang cân nhắc đề nghị nhà sản xuất giảm giá và nới lỏng các quy định buộc đại lý phải đăng một lượng quảng cáo nhất định trên truyền thông địa phương. “Nếu tình hình xấu hơn nữa, BMW phải giúp các đại lý tiết kiệm chi phí”, ông giải thích.



Thu Hằng(Theo Bloomberg)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN