Theo trang tin Epoch Times, Trung tâm kiểm tra xe cơ giới Jinggang ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã phát cảnh báo nghiêm túc đến từng nhân viên. Thông báo được gửi qua hộp thư điện tử, yêu cầu nhân viên tẩy chay hàng hóa sản xuất tại Mỹ cũng như không du lịch Mỹ nếu không sẽ bị sa thải.
Thông báo khác thường trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những lời kêu gọi trên toàn nước Trung Quốc nhằm tẩy chay hàng hóa Mỹ – phong trào được truyền thông địa phương hưởng ứng công khai.
“Để giúp đất nước thắng cuộc chiến này, ban quản trị công ty quyết định toàn bộ nhân viên phải ngay lập tức dùng mua sắm và sử dụng hàng Mỹ”, Epoch Times dẫn lại thông báo của Trung tâm kiểm tra xe cơ giới Jinggang cho hay.
Lệnh cấm này được cho là nhắm đến điện thoại thông minh iPhone, xe cộ của Mỹ, ăn uống tại nhà hàng của Mỹ cũng như mua sắm hàng gia dụng do Mỹ sản xuất.
Đây là một trong những diễn biến mới nhất về cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington, khi các bên không tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận thương mại song phương.
Kết quả, Nhà Trắng đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD trong tháng 5 và thậm chí còn đe dọa đánh thuế cao đối với những mặt hàng còn lại trị giá 325 tỷ USD. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng cách tăng thuế nhập khẩu đối với số hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/6.
Ngoài ra, Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng liệt tập đoàn công nghệ Huawei và 70 chi nhánh của hãng này vào danh sách cấm giao dịch, với lý do “đe dọa an ninh quốc gia”. Google, Intel và Qualcomm sẽ ngừng cung cấp dịch vụ và linh kiện cho Huawei theo lệnh của Chính phủ Mỹ.
Cư dân mạng Trung Quốc đã nhanh chóng chia sẻ rộng rãi cảnh báo trên, làm dấy lên một cuộc luận chiến trái chiều. Một số người còn mỉa mai kêu gọi người dân ngừng sử dụng hệ điều hành Windows hay máy bay Boeing.
Đầu tuần, người tiêu dùng Trung Quốc đã lên mạng xã hội kêu gọi tẩy chay điện thoại Apple sau khi Washington gia tăng áp lực đối với tập đoàn Huawei. Giới quan sát cho rằng động thái này sẽ tác động ngắn hạn đến doanh thu của Apple tại thị trường Trung Quốc.
Doanh thu ở thị trường Trung Quốc dự kiến chiếm hơn 17% doanh thu toàn cầu của Apple trong quý 2 năm nay. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cảnh báo nhà sản xuất iPhone có thể mất 29% doanh số nếu Chính phủ Trung Quốc đáp trả bằng cách cấm sản phẩm của họ.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, tập đoàn Huawei cho biết mùa thu tới sẽ ra mắt hệ điều hành của riêng mình cho điện thoại thông minh và máy tính bảng tại Trung Quốc. Phiên bản quốc tế của hệ thống trên có thể sẽ ra đời trong quý I hoặc quý II/2020.
Kế hoạch trên được thông báo sau khi "gã khổng lồ" Internet của Mỹ - Google - cho biết sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô làm ăn với Huawei do lệnh cấm của Chính phủ Mỹ. Google hiện có hệ điều hành Android đang được sử dụng đối với hầu hết các loại điện thoại thông minh trên thế giới.
Theo truyền thông Trung Quốc, nền tảng mới có tên "HongMeng" hiện trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ dần thay thế hệ điều hành Android.
Việc người Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm nước ngoài không phải là điều lạ lẫm. Trước đây, khi quan hệ giữa Bắc Kinh với Nhật Bản và Hàn Quốc căng thẳng, người tiêu dùng Trung Quốc cũng đã tẩy chảy hàng hóa của hai nước này.