Theo báo cáo trên, việc giá một số nguyên liệu đầu vào chủ chốt tăng cao mà nguyên nhân là do tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng một số nước khác, đã buộc các doanh nghiệp Mỹ tăng giá thành sản phẩm. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh về giá của các sản phẩm nội địa, đặc biệt được sản xuất từ nhôm và thép, so với các sản phẩm cùng loại của những nước không chịu tác động từ chính sách tăng thuế.
Cùng với đó, báo cáo phản ánh việc thiếu hụt lực lượng lao động trong mọi lĩnh vực, mọi vùng miền trên cả nước Mỹ đang khiến nhiều dự án bị ngưng trệ và gia tăng áp lực buộc các doanh nghiệp phải tăng lương hoặc có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người lao động, hoặc thậm chí bổ sung lực lượng lao động là robot.
FED cho biết thêm báo cáo từ một loạt các ngân hàng khu vực của FED đều phản ánh kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng vừa phải. Tuy nhiên, chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng gần đây nhằm cân bằng thâm hụt thương mại với các nước khác có nguy cơ làm gia tăng lạm phát. Hiện FED đang theo dõi sát sao áp lực về giá, từ đó điều chỉnh chính sách tăng lãi suất phù hợp để đảm bảo sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ và kiềm chế lạm phát.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Tổng thống Mỹ và FED đang mâu thuẫn về chính sách tăng lãi suất. Tổng thống Trump cho rằng FED nóng vội trong việc tăng lãi suất và điều này đặt ra nguy cơ lớn nhất đe dọa nền kinh tế Mỹ, làm chậm tốc độ tăng trưởng và gia tăng nợ công. Trong khi đó, thể chế tài chính này bảo vệ kế hoạch tăng lãi suất, cho rằng việc tăng lãi suất "sẽ phù hợp" với giai đoạn lạm phát ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục hiện nay. Từ đầu năm tới nay, FED đã 3 lần tăng lãi suất và theo kế hoạch, thể chế tài chính này sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25% vào tháng 12 tới và đây sẽ là lần tăng thứ 9 kể từ năm 2015. Theo lộ trình, FED sẽ tăng lãi suất 3 lần nữa trong năm sau.