Đây là cuộc đình công quy mô lớn đầu tiên của khu vực nhà nước sau khi Hy Lạp thoát khỏi gói cứu trợ thứ ba - gói cứu trợ cuối cùng kéo dài 3 năm- hồi tháng 8 năm nay và chính thức bỏ lại sau lưng cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Những người lao động đã tuần hành trên các đường phố chính ở thủ đô Athens và tập trung trước trụ sở Quốc hội nước này, giơ cao các biểu ngữ phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng". Do ảnh hưởng của cuộc đình công, các dịch vụ công trên toàn lãnh thổ Hy Lạp đã bị tê liệt. Nhiều trường học đóng cửa, trong khi bệnh viện vắng bóng các nhân viên y tế.
Theo Chủ tịch ADEDY Giannis Paidas, thông qua cuộc đình công, công đoàn này muốn đề nghị Chính phủ Hy Lạp tăng lương (vốn bị giảm tới 40% trong thời kỳ khủng hoảng), hủy bỏ việc áp thuế đối với các bất động sản và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 15%. Ngoài ra, tổ chức này cũng yêu cầu chính phủ chấm dứt việc tư nhân hóa các công ty nhà nước, tăng cường thuê lao động trong khu vực nhà nước....
Kể từ năm 2009 đến nay, các tổ chức công đoàn ở Hy Lạp đã tổ chức hàng chục cuộc đình công và hàng nghìn cuộc tuần hành phản đối chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ. Tuy nhiên, theo các chính phủ của Hy Lạp và các tổ chức tín dụng quốc tế, đây là biện pháp duy nhất để duy trì sự phát triển của nền kinh tế nước này và theo kịp sự phát triển của các nước trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Từ năm 2010, Hy Lạp rơi vào khủng hoảng tài chính công nghiêm trọng, đẩy quốc gia này tới bờ vực phá sản cũng như đe dọa vị trí thành viên của Athens trong Eurozone. Ba gói cứu trợ quốc tế trị giá 289 tỷ euro (tương đương 330 tỷ USD) đã được triển khai vào các năm 2010, 2012 và 2015, đổi lại Athens phải tuân thủ những điều kiện ngặt nghèo từ các chủ nợ quốc tế như các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân, cải cách nhiều lĩnh vực công.
Trong vòng 8 năm, 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp đã "bốc hơi", song từ năm ngoái, GDP của nước này tăng trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp cũng từ mức cao hơn 27%, giảm xuống còn dưới 20% vào đầu tháng 8 vừa qua.
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp là một trong những vấn đề lớn nhất trong lịch sử EU, làm dấy lên những quan ngại về một dự án châu Âu bền vững thời kỳ hậu chiến. Sự kiện này cũng là nguồn cơn thổi bùng phong trào bài EU trên toàn châu lục và là một trong những yếu tố thúc đẩy người dân Anh lựa chọn đưa "xứ sở sương mù" rời khỏi EU.
Hy Lạp hiện còn nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế khoảng 10 tỷ euro và dự kiến sẽ thanh toán đầy đủ trước năm 2024. Tổ chức này cảnh báo mục tiêu mà Hy Lạp cam kết với các chủ nợ, duy trì thặng dư ngân sách, không bao gồm các khoản trả nợ, ở mức 3,5% tới năm 2022, và 2,2% tới năm 2060, là một thách thức lớn đối với Athens bởi cuộc khủng hoảng nợ ở nước này vẫn để lại nhiều rủi ro đáng kể.