Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 14/5: Thế giới thêm 709.000 ca mắc mới; Ấn Độ vượt 24 triệu ca bệnh

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 709.000 ca bệnh COVID-19 và trên 12.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 161,7 triệu ca, trong đó trên 3,35 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil, ngày 6/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (338.019 ca), Brazil (72.303 ca) và Mỹ (trên 34.400 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.888 ca), Brazil (2.161 ca) và Mỹ (708 ca).

Cho đến nay, Mỹ đã có trên 598.400 ca tử vong trong tổng số 33,6 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 262.239 ca tử vong trong số 24 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 430.417 ca tử vong trong số 15,4 triệu bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 299 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 279 người và Bosnia-Herzegovina với 273 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới với trên 45,8 triệu người mắc, trong đó có trên 1,01 triệu ca tử vong. 

Ấn Độ vượt 24 triệu ca mắc COVID-19

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 chờ nhập viện tại Chennai, Ấn Độ, ngày 8/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 338.019 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên trên 24 triệu ca, đứng thứ 2 thế giới.

Ngày trước đó, Ấn Độ đã ghi nhận 4.120 ca tử vong vì bệnh COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp con số tử vong cao hơn 4.000. Số ca nhiễm mới trong ngày được ghi nhận dưới 400.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết virus SARS-CoV-2 đang lây lan rất nhanh tại các khu vực nông thôn, nơi rất khó ghi nhận đầy đủ vì thiếu thiết bị xét nghiệm.

Giới chuyên gia chưa thể dự báo chắc chắn thời điểm làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ đạt đỉnh, đồng thời bày tỏ tiếp tục lo ngại về khả năng lây lan nhanh của biến thể đang khiến dịch COVID-19 ở Ấn Độ nói riêng và nhiều nơi trên giới nói chung diễn biến phức tạp. Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan, bà Bhramar Mukherjee, cho biết hầu hết các mô hình đã dự báo đỉnh dịch trong tuần này và Ấn Độ sẽ chứng kiến các dấu hiệu của xu hướng này. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong ngày đang quá lớn, khiến các bệnh viện quá tải. Vì vậy, bà Mukherjee cảnh báo giới chức và người dân cần hết sức thận trọng.

Tình hình đặc biệt tồi tệ tại các khu vực nông thôn ở Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ với hơn 230 triệu người. Truyền hình đăng tải những hình ảnh nhiều thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 đã được thả trôi trên sông Hằng do các lò hỏa thiêu luôn trong tình trạng quá tải và không đủ củi để thiêu.

Doanh nghiệp Hàn Quốc cho nhân viên nghỉ phép để tiêm vaccine 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Seoul, Hàn Quốc ngày 7/5/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Nhằm khuyến khích tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến nghị của giới chức y tế Hàn Quốc, tập đoàn LG và công ty điện tử Samsung Electronics công bố quyết định cho các nhân viên tiêm vaccine được nghỉ phép hưởng lương.

Tập đoàn lớn thứ 4 Hàn Quốc LG cho biết sẽ cho phép nhân viên nghỉ 2 ngày sau khi tiêm vaccine, dù có xảy ra tác dụng phụ sau khi tiêm hay không. Các công ty con của tập đoàn có thể tự tăng thời gian nghỉ này nếu cần.

LG là tập đoàn đầu tiên của Hàn Quốc áp dụng chế độ này đối với nhân viên của tập đoàn. Những tập đoàn lớn khác như SK và Hyundai Motor cũng đang xem xét quyết định tương tự. 

Trong khi đó, Samsung Electronics thông báo những nhân viên nghỉ một ngày để tiêm vaccine sẽ vẫn được trả lương cho ngày nghỉ đó. Nếu xảy ra phản ứng phụ sau khi tiêm, công ty sẽ cho nhân viên đó nghỉ phép hưởng lương thêm 2 ngày.

Samsung đưa ra quyết định trên sau khi nghiệp đoàn lao động của công ty đề nghị lãnh đạo công ty cho nhân viên tiêm vaccine được nghỉ phép 3 ngày có hưởng lương.      

Đảo Hokkaido (Nhật Bản) ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục

Chú thích ảnh
Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Nhật Bản, ngày 13/5, đảo Hokkaido ở phía Bắc nước này ghi nhận 712 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây. Trong số ca nhiễm mới trên, 527 ca ghi nhận tại các thành phố Sapporo, Asahikawa và Hakodate. 

Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide triệu tập cuộc họp với các thành viên nội các vào tối cùng ngày để thảo luận các biện pháp nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của đại dịch. Ông Suga đã thảo luận với Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura, người cũng phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19, về tình hình ở Hokkaido cũng như ở các tỉnh khác như Okayama và Hiroshima, những nơi mà số ca nhiễm mới đang tiếp tục gia tăng. 

Phát biểu họp báo, Chánh văn phòng nội các Katsunobu Kato cho biết chính phủ sẽ "đưa ra quyết định kịp thời" về việc có tuyên bố tình trạng khẩn cấp hoàn toàn đối với Hokkaido hay không. 

Thống đốc Hokkaido Naomichi Suzuki cũng cho biết ông có kế hoạch đề nghị chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 tại thủ phủ Sapporo của tỉnh này, đồng thời cho phép ông thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với các doanh nghiệp. Hiện Sapporo gần như trong tình trạng khẩn cấp, theo đó các nhà hàng và quán karaoke phải đóng cửa trước 20h hằng ngày, đồng thời hạn chế phục vụ rượu. 

Đến nay, tại Nhật Bản có 6 tỉnh/thành đang trong tình trạng khẩn cấp, gồm Tokyo, Aichi, Osaka, Hyogo, Kyoto và Fukuoka.

Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong một ngày

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan ngày 13/5 ghi nhận 4.887 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2.052 ca trong cộng đồng và 2.835 ca lây nhiễm trong các nhà tù. Đây là số ca mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong bối cảnh Thái Lan đang phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3, số ca mới trên đã nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 93.794 ca. Ngoài ra, giới chức y tế sở tại cùng ngày xác nhận đã có thêm 32 ca tử vong, nâng tổng tổng số ca tử vong lên 518 ca.

Malaysia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày ở mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ampang, gần Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 11/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 13/5, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận thêm 4.855 ca COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất kể từ ngày 31/1, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 458.077 ca. 

Mức tăng mới nhất này phần nào là do các biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Malaysia cũng ghi nhận thêm 27 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.788 ca. 

Đầu tuần này, Bộ Y tế Malaysia cảnh báo số ca nhiễm trong ngày có thể lên tới 5.000 ca vào giữa tháng 5, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1 vừa qua. 

Singapore có số ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất trong 10 tháng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân tại Singapore ngày 10/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Singapore (MOH) ngày 13/5 thông báo nước này ghi nhận 32 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 24 ca mắc trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 11/7/2020.

Trong số các ca mắc mới trong cộng đồng, có 17 ca liên quan đến ổ dịch tại sân bay Changi, đưa tổng số bệnh nhân tại ổ dịch này lên 42 ca. Ngoài ra, 1 ca liên quan các ca mắc trước đó và 6 ca không rõ

Tính đến nay, Singapore có tổng cộng 61.451 người mắc COVID-19, trong đó có 31 trường hợp không qua khỏi.

Số ca mắc mới tại Lào tăng trở lại 

Chú thích ảnh
Người dân tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận thêm 65 ca COVID-19, trong đó có 15 ca nhập cảnh và được cách ly ngay.

Sau hơn 10 ngày luôn ghi nhận số ca mắc mới dưới 20 ca, tình hình dịch bệnh tại thủ đô Viêng Chăn có dấu hiệu "nóng" trở lại khi ghi nhận 26 ca mắc mới, vượt qua tỉnh Bokeo với 24 ca. Đáng chú ý, tất cả các ca nhiễm mới tại 2 địa bàn trên đều là lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại cuộc họp báo chiều 13/5, đại diện Bộ Y tế Lào cảnh báo tình trạng người dân chưa tuân thủ nghiêm các quy định cách ly tại nhà, dẫn tới tình trạng số ca nhiễm trong phạm vi gia đình tăng. Đại diện Bộ Y tế Lào cũng kêu gọi người dân tạm thời tập thể dục tại nhà trong thời gian phong tỏa thay vì tập ngoài trời để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc, khiến dịch COVID-19 có cơ hội lây lan.

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 1.482 trường hợp, trong đó phần lớn là các ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay. Tính tới chiều 13/5, Lào đã chữa khỏi COVID-19 cho 431 bệnh nhân và mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong.

Nga có những ca đầu tiên nhiễm biến thể Ấn Độ

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 23/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan bảo về quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người (Rospotrebnadzor) cho biết đã ghi nhận 16 ca nhiễm biến thể Ấn Độ là những sinh viên Ấn Độ học tại Đại học tổng hợp Ulyanovsk, cách thủ đô Moskva khoảng 700km về phía Đông. 

Theo một quan chức của cơ quan trên, các sinh viên mắc bệnh đang thực hiện tự cách ly và được theo dõi y tế. 

Đầu tuần này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã xác định biến thể phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ hồi năm ngoái là chủng gây quan ngại toàn cầu, với nghiên cứu ban đầu cho thấy biến thể này dễ lây lan hơn.

Cùng ngày 13/5, lực lượng đặc trách phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga cho biết nước này ghi nhận 8.380 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.913.439 ca.

Cũng trong 24 giờ qua tại Nga có thêm 392 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 114.723 ca.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê riêng của cơ quan thống kê liên bang, kể từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, tại Nga có khoảng 250.000 ca tử vong do COVID-19.

LHQ kêu gọi WHO công nhận hiệu quả của vaccine Sputnik V 

Chú thích ảnh
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. THX/TTXVN

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận vaccine Sputnik V của Nga an toàn và đạt hiệu quả trong phòng ngừa bệnh COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Guterres nhấn mạnh vai trò "then chốt" của vaccine Sputnik V trong chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Ông cũng cho biết nhiều nhân viên LHQ đã được tiêm vaccine này. 

Các chuyên gia kỹ thuật của WHO và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang tiến hành vòng đánh giá tiếp theo về vaccine Sputnik V của Nga, từ ngày 10/5 đến tuần đầu của tháng 6. Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh các nỗ lực của Nga trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vaccine Sputnik V vào Danh sách Sử dụng khẩn cấp.

Tháng trước, nhà khoa học Nga Denis Logunov - người được xem là nhà phát triển hàng đầu vaccine Sputnik V, cho biết trong bản đánh giá dựa trên dữ liệu của 3,8 triệu người, loại vaccine này đạt hiệu quả  tới 97,6% trong việc ngăn chặn COVID-19. Tỷ lệ trên cao hơn so với mức 91,6% đã được công bố trong báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet hồi tháng 3 năm nay.

Slovakia sử dụng vaccine Sputnik V từ tháng 6 tới

Bộ trưởng Y tế Slovakia Vladimír Lengvarský cho biết nước này đang cân nhắc đưa vaccine Sputnik V của Nga vào chương trình tiêm chủng quốc gia từ tháng 6 tới. Nếu như vậy, Slovakia sẽ trở thành quốc gia thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), sau Hungary, sử dụng vaccine của Nga mà không chờ sự chấp thuận của EMA.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Y tế Slovakia cho biết một phòng thí nghiệm của Hungary xác nhận lô vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga được gửi đến Slovakia đạt yêu cầu. 

Cùng ngày 12/5, nước này đã tạm dừng tiêm vaccine AstraZeneca do xảy ra một ca tử vong sau tiêm trong tuần trước. Thông tin ban đầu cho thấy trường hợp tử vong là phụ nữ 47 tuổi, mắc chứng rối loạn di truyền không thể phát hiện trước khi tiêm chủng. Theo quy định của Slovakia, vaccine AstraZeneca được tiêm cho những người từ 18-45 tuổi.

Cho đến nay, theo số liệu của Reuters, đã có khoảng 1,9 triệu người tại Slovakia được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 608.000 người đã tiêm đủ liều. Dân số nước này là 5,4 triệu người.

Tổng thống Mỹ kêu gọi tiêm cho thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi

Chú thích ảnh
Một thiếu niên 16 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Worcester, bang Massachusetts, Mỹ ngày 22/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm phòng. 

Tổng thống Biden cho biết hiện vaccine Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng cho những người trên 12 tuổi, khẳng định đây là một bước tiến lớn nữa trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Vì vậy, ông khuyến khích các bậc phụ huynh cho con em tiêm phòng. 

Tổng thống Biden cho biết chương trình tiêm vaccine cho lứa tuổi 12-15 sẽ được triển khai từ ngày 13/5 và có thể được thực hiện tại các phòng khám nhi khoa và bác sĩ gia đình. Bên cạnh đó, các sự kiện có sự tham gia của những người nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ được tổ chức để khuyến khích thanh thiếu niên đi tiêm phòng trong những tuần tới. 

Trước đó, ngày 10/5, FDA đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Quyết định rất được mong đợi này là một bước đi quan trọng để đảm bảo các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể mở cửa trở lại và học sinh có thể học trực tiếp trong năm học từ mùa Thu tới. Pfizer dự kiến sẽ yêu cầu cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 2-11 tuổi vào tháng 9 tới. Trước đó, loại vaccine này được cấp phép sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên. Tính tới nay, có 3 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ, trong đó có Moderna và Johnson & Johnson.

Một số bang ở Mỹ như Georgia, Delaware và Arkansas đã triển khai tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ ngày 11/5. Tại bang California, cha mẹ có thể bắt đầu đặt lịch tiêm cho con từ ngày 13/5. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 13/5: Thái Lan có số ca mắc mới cao kỷ lục; Campuchia ghi nhận tín hiệu tích cực
COVID-19 tại ASEAN hết 13/5: Thái Lan có số ca mắc mới cao kỷ lục; Campuchia ghi nhận tín hiệu tích cực

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 13/5, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 15.323 ca mắc COVID-19 và 271 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.642.885 ca, trong đó 72.271 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN