Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 6.470.850 ca, trong đó có 381.639 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 2.985.720 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 54.474 và 3.103.491 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Trong 24 giờ qua, thế giới có 2 nước ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức trên 1.000 ca là Mỹ (1.101 ca) và Brazil (1.197 ca). Nước Anh chứng kiến số ca tử vong tăng trở lại với 324 trường hợp; trong khi ở Ấn Độ và Mexico ghi nhận số ca tử vong tăng vẫn ở mức khá cao với trên 200 ca mỗi ngày.
Nhiều nước mở cửa trở lại
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 2/6 thông báo Chính phủ Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với các nước châu Âu trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội được áp đặt trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Maas nêu rõ: “Chúng tôi đang chuẩn bị một quyết định để đưa ra biểu quyết trong Nội các vào ngày 3/6”. Theo kế hoạch này, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại và bắt đầu từ ngày 15/6 có thể nối lại việc đi lại ở ít nhất 31 nước châu Âu. Trước đó, hồi tháng 3/2020, Chính phủ Đức đã đưa ra cảnh báo chính thức đối với việc đi lại ở châu Âu, biện pháp sẽ có hiệu lực cho đến ngày 14/6 tới.
Số bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tích cực những trong tuần qua ở Đức đã giảm mạnh. Theo số liệu của giới chức Đức, đến ngày 2/6 chỉ còn 689 bệnh nhân được điều trị tích cực, trong đó một nửa số ca phải dùng máy trợ thở.
Con số này giảm mạnh so với hồi giữa tháng 4/2020 khi có 2.900 ca được điều trị tích cực. Trong khi đó, số bệnh nhân thực tế bị nhiễm ỏ Đức hiện còn khoảng 7.100 người. Nhiều bang cuối tuần qua thông báo không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Trong vòng 24 giờ qua, Đức chỉ ghi nhận 21 ca tử vong và 168 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Nga, trong 24 giờ qua, "xứ sở bạch dương" ghi nhận 8,863 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 182 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong tại nước này lên 423.741 và 5.037 trường hợp.
Các trung tâm thương mại và công viên tại thủ đô Moskva của Nga được mở cửa trở lại từ ngày 1/6 khi thành phố này nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch COVID-19 lây lan, cho dù số ca nhiễm tại Nga vẫn đang đứng thứ 3 thế giới.
Ngày 2/6, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn kế hoạch khôi phục nền kinh tế nước này do Thủ tướng Mikhail Mishustin đệ trình. Theo thông báo, chi phí của kế hoạch lên tới 5.000 tỷ ruble (72,75 tỷ USD), và mục tiêu chính là hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19.
Kế hoạch này gồm gần 500 điểm nhằm duy trì cung cầu trong xã hội và khởi động lại năng lực sản xuất. Kế hoạch gồm 3 giai đoạn: ổn định tình hình đến cuối năm 2020, phục hồi từ đầu năm 2021 và chuyển sang tăng trưởng trong quý IV/2021.
Theo kế hoạch, nếu thực hiện, nền kinh tế Nga cần phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trước khủng hoảng. Thủ tướng Mishustin trình bày trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Putin: “Sau khi kết thúc giai đoạn phục hồi, chúng ta cần đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững cao hơn mức trước khủng hoảng”. Ông cũng yêu cầu các bộ liên quan lưu ý đến tình trạng thất nghiệp.
Ngày 2/6, các trường học ở Singapore đã mở cửa trở lại sau gần 2 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Học sinh đến trường phải tuân thủ các quy định về y tế như đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và rửa tay sát khuẩn cũng như giữ khoảng cách an toàn khi xếp hàng vào lớp, ngồi cách xa nhau tại căng tin...
Là một trong những nước có số ca nhiễm cao nhất ở châu Á, Singapore thông báo sẽ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế. Phòng đăng ký kết hôn và một số hoạt động kinh doanh cũng trở lại hoạt động vào ngày 2/6.
Theo kết quả nghiên cứu ở một số nước châu Âu đã mở cửa lại trường học, việc mở cửa này không làm tăng số ca nhiễm bệnh, trong khi các nghiên cứu khác cho thấy số ca nhiễm ở trẻ em ít hơn so với người trưởng thành.
Ngày 2/6, các "điểm nóng" dịch COVID-19 tại châu Âu như Anh, Pháp hay Italy cũng bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội.
Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy đã công bố một loạt con số tích cực liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong 24 giờ qua, Italy chỉ ghi nhận thêm 318 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 233.515 ca.
Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 26/2 vừa qua. Số ca tử vong tăng thêm 55 ca lên tổng cộng 33.530 ca. Đây cũng là mức tương đối thấp so với số liệu trung bình thời gian gần đây của nước này.
Để hỗ trợ phòng ngừa dịch bệnh, từ ngày 3/6, Chính phủ Italy chính thức thử nghiệm ứng dụng Immuni - ứng dụng theo dõi bệnh nhân mắc COVID-19. Ứng dụng Immuni cung cấp khả năng theo dõi các mối liên hệ với bệnh nhân mắc COVID-19 và kịp thời đưa ra cảnh báo với người sử dụng. Ứng dụng sẽ được đăng tải trên cả hai kho ứng dụng CH Play và App Store và người dùng có thể dễ dàng sử dụng miễn phí trên các điện thoại thông minh.
Trước mắt, ứng dụng Immuni sẽ được triển khai thử nghiệm trong vòng một tuần tại 4 vùng: Puglia, Abruzzo, Marche và Liguria từ ngày 3/6, sau đó sẽ được triển khai trên diện rộng. Đây cũng là thời điểm người dân Italy được phép đi lại tự do giữa các vùng sau gần 3 tháng triển khai lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Tuy vậy, Tổng thống Sergio Mattarella cảnh báo cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt tại nước này. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi một bác sĩ hàng đầu Italy cho rằng virus SARS-CoV-2 đã biến đổi và yếu dần.
Tại Pháp, trong 24 giờ qua, nước này đã không ghi nhận thêm ca dương tính nào và chỉ có 107 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, tính tới sáng 3/6 theo giờ Việt Nam, Pháp có tổng cộng 189.220 ca mắc COVID-19 và 28.940 ca tử vong.
Pháp đã bước sang giai đoạn hai của quá trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 2/6. Tuy nhiên, giới chức y tế cảnh báo người dân không nên quên rằng dịch bệnh vẫn đang hoành hành cũng như mức độ nguy hiểm của nó.
Kể từ giữa tháng Tư vừa qua, tình hình dịch COVID-19 tại Pháp đã ghi nhận những diễn biến tích cực, tạo điều kiện cho chính phủ nới lỏng các quy định, đưa cuộc sống dần trở lại bình thường, trong khi vẫn duy trì cảnh giác để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết tính tới hết ngày 2/6, "xứ sở sương mù" ghi nhận tổng cộng 276.332 ca mắc COVID-19 và 39.045 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận 324 ca tử vong vì đại dịch và 1.653 ca dương tính, nâng tổng số người mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 277.985 và 39.369 trường hợp.
Đây là diễn biến tích cực kể từ khi Anh bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa vào tháng Ba. Bộ trưởng Hancock khẳng định Anh đang đạt được tiến bộ lớn trong cuộc chiến chống COVID-19, với việc triển khai thành công hệ thống xét nghiệm và truy vết.
Dịch bệnh vẫn biến biến phức tạp tại một số nước
Ngày 2/6, Bộ Y tế Iran xác nhận có thêm 3.117 ca nhiễm mới bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 157.562 ca. Số ca nhiễm đang tăng tại nước Cộng hòa Hồi giáo này kể từ khi xuống mức thấp nhất trong 2 tháng vào ngày 2/5. Số ca nhiễm trong ngày cao nhất tại Iran là vào ngày 30/3 với 3.186 ca.
Bên cạnh số ca nhiễm mới gia tăng đáng ngại, Iran có thêm 64 ca tử vong mới trong ngày đưa tổng số ca tử vong lên 7.942 ca. Cho đến nay đã có 123.077 trường hợp khỏi bệnh và 2.565 người vẫn trong tình trạng nguy kịch. Tính đến ngày 2/6, Iran đã thực hiện gần 1 triệu xét nghiệm.
Nhận định về tình hình hiện tại, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki cho rằng nguyên nhân số ca mới tái bùng phát là người dân không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, chủ quan coi thường dịch bệnh hoặc nghĩ rằng dịch bệnh đã qua.
Mỹ tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới, với những diễn biến còn phức tạp và khó lường. Trong vòng 24 giờ qua tính tới sáng 3/6 theo giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận 20.285 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1.101 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.879.608 ca và 108.026 trường hợp.
Nguy cơ lây lan và bùng phát dịch càng tăng cao tại Mỹ khi làn sóng biểu tình bạo lực bùng phát trên qui mô toàn liên bang để phản đối cái chết của công dân da màu George Floyd khi bị cảnh sát da trắng bắt giữ.
Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 2/6 gia hạn lệnh cấm du khách nước ngoài thêm 3 tháng cũng như biện pháp hạn chế số người tụ tập ở mức 8 người thêm 2 tuần.
Cả hai biện pháp trên đều hết hạn vào cuối tháng 6. Những du khách đến Hong Kong cần phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết chính quyền sẽ xem xét thận trọng các biện pháp hiện nay nhằm phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện một số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại Hong Kong trong những ngày gần đây.
Ngày 2/6, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) bày tỏ lo ngại trước việc nhiều nước Mỹ Latinh bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 bất chấp việc khu vực này đang trở thành một tâm điểm mới của bệnh dịch trong thời gian gần đây.
Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết trong tuần trước trên thế giới ghi nhận 732.000 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có hơn 250.000 trường hợp tại Mỹ Latinh và điều đó cho thấy các nước trong khu vực cần phải tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch nguy hiểm này.
Trong thông báo mới nhất ra ngày 2/6, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết tính đến chiều cùng ngày, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Phi đã tăng thêm 5.343 ca trong 24 giờ qua lên 152.442 ca.
Cũng theo CDC châu Phi, số ca tử vong do COVID-19 tại châu lục này tăng thêm 116 ca lên 4.344 ca. Trong khi đó, châu Phi ghi nhận khoảng 63.661 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện.
Đến nay, dịch bệnh đã lây lan đến 54 quốc gia của “lục địa đen”.
Số liệu của CDC châu Phi cũng cho thấy những nước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 gồm Nam Phi, Ai Cập, Nigeria, Algeria, Ghana và Maroc. Khu vực Bắc Phi là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất châu lục xét về cả số ca tử vong và số ca mắc. Tây Phi là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai, sau đó là miền Nam châu Phi. Trong khi đó, Đông và Trung Phi là những khu vực bị tác động ít nhất bởi dịch COVID-19.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 3/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.533 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 2.834 người.
Trong 24 giờ qua, có ba nước thành viên ASEAN là Indonesia, Philippines và Thái Lan ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Trong ngày, khu vực có 5 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia là nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất khu vực. Singapore dù số ca dương tính mới hơn 500 người, song số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.834 người dân ở khu vực này, tăng 29 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 94.207 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 45.346 trường hợp.
Tại Indonesia, số ca mắc mới và tử vong trong ngày vẫn cao. Số liệu thống kê của trang worldometers.info tới hết ngày 2/6 cho thấy Indonesia trong 24 giờ qua ghi nhận 609 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 và 22 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong tại nước này lên lần lượt 27.549 và 1.663.
Thái Lan, sau một thời gian dài yên ắng, ngày 2/6 đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong nữa vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại "xứ sở chùa Phật ngọc" lên 58 ca, trong tổng số 3.083 trường hợp mắc bệnh.
Tuy nhiên, nhìn chung Thái Lan đã khống chế tốt đại dịch. Trước tình hình đó, người dân nước này đang bắt đầu đi viếng các đền thờ trong bối cảnh đất nước có đông người theo Phật giáo này đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Khách đến viếng thăm đền vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ trước khi bước vào đền.
Trước đó, ngày 1/6, WHO khẳng định virus SARS-CoV-2 vẫn chưa suy yếu sau khi có thông tin của một bác sĩ hàng đầu Italy cho rằng chủng virus này đã biến đổi và yếu dần. Giám đốc bộ phận xử lý các vấn đề khẩn cấp của WHO và cũng là một chuyên gia về dịch bệnh, ông Michael Ryan cho biết virus mới sau khi xuất hiện, chúng có thể biến đổi và trở nên suy yếu hoặc đôi khi chúng thậm chí có thể trở nên mạnh hơn.
Theo ông, SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn là một virus gây chết người và loài người cần thận trọng. Ông cảnh báo sự nguy hiểm khi xuất hiện ý niệm cho rằng virus đã suy yếu hơn.