Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận 100.424 người mắc bệnh và 5.069 người tử vong. Trong đó, Brazil, Mỹ, Nga, Ấn Độ có nhiều ca mắc mới nhất. Brazil đã vượt Mỹ trở thành nước có ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới. Brazil ghi nhận 19.461 ca mắc, trong khi Mỹ có 18.642 ca tính tới 6 giờ sáng 28/5 (giờ Việt Nam).
Mỹ vẫn là nước có nhiều ca tử vong nhất trong 24 giờ qua với 1.434 ca. Tiếp đó là Brazil với 1.049 ca. Mỹ và Brazil là hai nước duy nhất có trên 1.000 ca tử vong trong 24 giờ qua. Các nước còn lại chỉ ghi nhận trên dưới 500 ca tử vong mới.
Trong khi dịch có dấu hiệu tạm lắng tại châu Á, châu Âu và Mỹ, giúp nhiều quốc gia tại các khu vực này dần mở cửa trở lại nền kinh tế thì nhiều quốc gia tại Mỹ Latinh lại đang bước vào hoặc ở trong giai đoạn đỉnh dịch cùng với đó là những dự báo tác động kinh tế khôn lường. Đây cũng là lúc các quốc gia đẩy mạnh các biện pháp cứu trợ kinh tế và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch nhưng trong trạng thái cảnh giác làn sóng dịch bệnh thứ 2.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Mỹ, đồng thời là người đứng đầu Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO), bà Carissa Etienne cho biết WHO đánh giá các quốc gia châu Mỹ là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19 và hiện không phải thời điểm để những nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Phát biểu trong một hội nghị trực tuyến, bà Carissa Etienne cho hay, sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Brazil. Khu vực này hồi tuần trước đã ghi nhận số ca tử vong do dịch bệnh cao nhất trên thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát, tính trong khoảng thời gian 7 ngày.
Mỹ Latinh sắp trải qua những tuần "rất khó khăn"
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) dự báo khu vực Mỹ Latinh - "tâm chấn" mới của dịch COVID-19, sắp trải qua những tuần lễ cực kỳ khó khăn về diễn biến tình hình dịch bệnh.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Phó Giám đốc PAHO Jarbas Barbosa cảnh báo đây không phải là lúc có thể nới lỏng những hạn chế được áp dụng để kiểm soát virus SARS-CoV-2 như chính phủ các nước Brazil, Mexico và Peru đang làm, khi các nước này cũng là những nước có số ca mắc cao nhất khu vực.
Giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal nhận định tình hình dịch bệnh tại Brazil - quốc gia bị tác động nặng nề nhất do dịch bệnh tại khu vực, sẽ chưa thuyên giảm vào tuần tới và vẫn còn cả một chặng đường dài cần vượt qua.
Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh cũng liên tiếp tăng cao ở Chile, Peru, Ecuador, và Venezuela. Đây là dấu hiệu cho thấy quá trình lây lan của đại dịch COVID-19 đang tăng tốc. PAHO dự báo tại Nam Mỹ chỉ có Bolivia và Paraguay có thể sẽ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ông Espinal cũng cho rằng phần lớn các nước Nam Mỹ hiện không thực hiện đủ xét nghiệm để phát hiện người bệnh. Chính vì thế, ông đề nghị tăng cường xét nghiệm trên diện rộng là cách duy nhất để có một bức tranh rõ ràng về diễn biến của dịch.
Đối với trường hợp Mexico, tổ chức y tế khu vực cho rằng nước này sẽ vẫn chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng liên tục và dự báo tình hình tương tự với El Salvador, Guatemala và Nicaragua. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Cuba cũng được PAHO dự báo có sự sụt giảm về số ca mắc.
Mỹ Latinh đã trở thành điểm nóng mới của đại dịch COVID-19 với tốc độ lây lan gây quan ngại cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo WHO, tâm dịch khu vực là Brazil sẽ có thể đạt tới con số cao nhất là 1.020 người tử vong mỗi ngày vào ngày 22/6 và tới ngày 4/8, quốc gia Nam Mỹ này có thể có tới 88.300 người chết do COVID-19, gấp 4 lần con số được ghi nhận chính thức cho tới thời điểm hiện nay.
Washington D.C mở cửa trở lại vào cuối tháng 5
Ngày 27/5, Thị trưởng thủ đô Washington D.C của Mỹ Muriel Bowser đã ký ban hành quyết định dỡ bỏ “lệnh ở nhà” được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 và thành phố này dự kiến bắt đầu giai đoạn một của việc mở cửa trở lại, bắt đầu từ ngày 29/5 và kéo dài đến hết ngày 24/7.
Bà Bowser cho biết thủ đô Washington D.C đã trải qua hơn 14 ngày ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 "giảm liên tục", cho phép thủ đô bắt đầu quá trình mở cửa trở lại.
Theo quyết định trên, cư dân thủ đô của nước Mỹ không còn bị giới hạn phải ở trong nhà, nhưng khi đi ra ngoài vẫn phải giữ giãn cách tối thiểu 2 mét với người ngoài gia đình và không được tập trung theo nhóm quá 10 người. Việc đeo khẩu trang đi ra ngoài tiếp tục được khuyến khích.
Mặc dù mức độ lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Washington D.C chậm hơn so với các bang khác của Mỹ, nhưng đây cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tính tới nay, thủ đô Washington D.C đã ghi nhận 8.406 ca nhiễm COVID-19 với 445 ca tử vong.
Trong khi đó, Thống đốc bang New York của Mỹ Andrew Cuomo đã đề xuất triển khai một loạt dự án hạ tầng lớn nhằm tái khởi động nền kinh tế đất nước trong giai đoạn hậu COVID-19.
Phát biểu họp báo thường kỳ, Thống đốc Cuomo kêu gọi tái khởi động nền kinh tế, đầu tư cho cơ sở hạ tầng đang xuống cấp và tạo việc làm. Ông cho biết sẽ nêu vấn đề này trong cuộc làm việc với Tổng thống Donald Trump tại Washington. Thống đốc Cuomo cũng đồng thời kêu gọi chính quyền liên bang hợp tác để triển khai các dự án xây dựng công trình công cộng.
Bang New York là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 ở Mỹ. Hiện bang này đối mặt với triển vọng tài chính u ám và khoản thâm hụt ngân sách 13 tỷ USD.
Trong khi đó, bang California đông dân nhất của Mỹ đã tiến thêm một bước trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa do dịch COVID-19, theo đó từ ngày 26/5 cho phép các hiệu làm tóc ở hầu hết các hạt mở cửa trở lại sau hai tháng.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 27/5 cho biết người Mỹ sẽ bị tác động mạnh nhất của tình trạng thất nghiệp do COVID-19, với khoảng 305 triệu người mất việc làm từ tháng 4-6. Trong khi đó, dịch bệnh cũng có nguy cơ tạo ra một "thế hệ phong tỏa" gồm những người trẻ tuổi buộc phải chơi trò "đuổi bắt" trên thị trường lao động trong ít nhất 10 năm tới.
Tổng số ca nhiễm tại Nga lên tới 370.680 người
Giới chức y tế Nga ngày 27/5 thông báo đã có 8.338 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm tại Nga lên 370.680. Ngoài ra, Nga cũng ghi nhận 161 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do dịch COVID-19 trên cả nước cho đến nay lên 3.968.
Ngày 27/5, Quân đội Nga thông báo đã mở một bệnh viện dã chiến ở khu vực Bắc Caucasus của Dagestan, nơi giới chức địa phương đang vất vả khống chế dịch COVID-19. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ các bác sĩ quân y đã dựng một cơ sở gồm 100 giường bệnh ở làng Botlikh và "nhân viên y tế sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân". Đến nay, quân đội đã điều 135 quân nhân, trong đó có 72 chuyên gia y tế, tới Dagestan theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch COVID-19.
Trước đó, Tổng thống Putin đã thừa nhận rằng tình hình rất phức tạp và các biện pháp khẩn cấp cần được thực hiện ở khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 5 này tại Nga. Về thủ đô Moskva, ông Putin ghi nhận thủ đô đã ngăn chặn thành công "kịch bản xấu nhất" khi chính quyền thành phố đang xem xét nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong nhiều ngày qua.
EU công bố quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, ngày 27/5 đã đề xuất quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro cho Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đề xuất này cần phải giành được sự ủng hộ của các nước thành viên.
Dịch COVID-19 đã đẩy EU rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, do đó đề xuất trên của bà Ursula von der Leyen sẽ hỗ trợ các nước bị tác động mạnh nhất. Nếu được thông qua, đây là sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU. Ủy viên các vấn đề kinh tế EU Paolo Gentiloni đã hoan nghênh đề xuất, coi đây là một đột phá giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.
Kế hoạch trên được đưa ra sau nhiều áp lực lớn từ Italy và Tây Ban Nha - những nước đầu tiên chịu tác động của đại dịch cũng như phải gánh chịu các khoản nợ lớn nhằm tái thiết nền kinh tế. Nếu được thông qua như dự thảo, Italy sẽ được viện trợ trực tiếp 81,8 tỷ euro trong 3 năm tới, trong khi Tây Ban Nha sẽ nhận được 77,3 tỷ euro. Ngoài ra, Italy và Tây Ban Nha cũng sẽ được vay số tiền lần lượt là 90 tỷ euro và 31 tỷ euro. Ngoài 650 tỷ hỗ trợ và cho vay, EU cũng dành 100 tỷ euro cho các chương trình giải cứu.
Trong khi đó, nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong năm 2020 có thể giảm từ 8 đến 12% trong năm nay do phải vật lộn để vượt qua những tác động của dịch COVID-19. Đây là nhận định được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đưa ra ngày 27/5,
Trước đó, ECB cho rằng kinh tế eurozone có thể giảm từ 5-12%. Tuy nhiên, theo bà Lagarde, viễn cảnh này không còn tồn tại và tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế eurozone trên thực tế sẽ ở mức "trung bình" hoặc "nghiêm trọng". Người đứng đầu ECB cũng cho biết không quá lo ngại về nguy cơ dịch COVID-19 có thể gây ra cuộc khủng hoảng mới ở eurozone dù các nhà hoạch định chính sách sẽ vẫn phải tiếp tục theo dõi mức nợ công đang ngày một cao tại khu vực này do các chính phủ đang phải vay mượn để trang trải những tác động của dịch bệnh.
Trong báo cáo tài chính công bố ngày 26/5, ECB cảnh báo các khoản nợ đang ngày một cao tại eurozone kéo theo những quan ngại ngày một tăng về nguy cơ một số nước sẽ rời khỏi eurozone hoặc khu vực này sẽ sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, người đứng đầu châu Âu khẳng định chắc chắn rằng đại dịch COVID-19 sẽ không khiến eurozone sụp đổ.
Italy sẵn sàng cho đợt bùng phát thứ hai
Bộ Y tế Italy cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát lần hai tại nước này, song khẳng định Italy đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với đợt bùng phát mới.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói: "Tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều quan ngại về làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai và những ai chịu trách nhiệm về các quyết định chính trị không thể đánh giá thấp khả năng này, do đó, chúng tôi đã tăng số giường chăm sóc tích cực lên 115%".
Bộ trưởng Roberto Speranza khẳng định Italy đã sẵn sàng cho làn sóng thứ hai của dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo người dân sẵn sàng phối hợp với cơ quan y tế, Hội Chữ thập đỏ để tiến hành xét nghiệm huyết thanh, giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu và hiểu rõ hơn về dịch bệnh.
Cùng ngày, Hiệp hội Phổi Italy cảnh báo người bệnh sau khi mắc COVID-19, phổi có nguy cơ bị ảnh hưởng ít nhất 6 tháng, trong đó, 30% những người phục hồi sẽ có vấn đề về hô hấp mãn tính.
Hungary đề xuất hủy bỏ luật tình trạng khẩn cấp
Chính phủ Hungary đang đệ trình dự luật đề xuất hủy bỏ luật tình trạng khẩn cấp được áp dụng trong thời gian nước này chống đại dịch COVID-19.
Trong một phát biểu đăng trên tài khoản Facebook, Bộ trưởng Tư pháp Hungary Judit Varga cho biết: “Khi dự luật được thông qua, luật tình trạng khẩn cấp tại Hungary dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 20/6 tới".
Trước đó, ngày 30/3, Quốc hội Hungary đã thông qua đạo luật cho phép Thủ tướng Viktor Orban quản lý bằng sắc lệnh không giới hạn về thời gian, đồng thời áp dụng hình phạt tù tới 5 năm đối với những người cảm trở các biện pháp nhằm kiềm chế dịch COVID-19 lây lan hoặc phát tán thông tin sai lệch liên quan dịch bệnh. Theo Thủ tướng Orban, đạo luật trên tạo điều kiện cho chính phủ của ông phản ứng nhanh chóng, hiệu quả và thích đáng trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp. Ông cũng khẳng định rằng đạo luật trên có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào theo quyết định của quốc hội hoặc Tòa án Hiến pháp.
Với dân số gần 10 triệu người, Hungary đã ghi nhận 3.793 ca mắc COVID-19, trong đó có 505 trường hợp tử vong. Cả hai con số thống kê này đều đang ghi nhận xu hướng chậm lại tích cực dù các biện pháp hạn chế xã hội bắt đầu được dỡ bỏ từng bước.
Australia xem xét nới lỏng hạn chế đi lại với New Zealand
Số ca mắc bệnh COVID-19 đều giảm tại Australia và New Zealand đã giúp hai nước nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại với nhau.
Tại Australia, số ca mắc COVID-19 đã giảm xuống dưới 500 người, trong khi bệnh nhân mắc COVID-19 cuối cùng tại New Zealand cũng vừa xuất viện ngày 27/5. Do đó, giới chức y tế Australia khẳng định hoàn toàn có khả năng nước này và New Zealand sẽ cho phép người dân hai nước đi lại lẫn nhau.
Trong tuần này, các quan chức y tế cấp cao hai nước đã đàm phán sơ bộ và chuẩn bị trình khuyến cáo lên chính phủ trong những tuần tới về cách thức nối lại việc đi lại an toàn.
Australia đã ghi nhận 7.144 ca mắc COVID-19, trong đó có 103 trường hợp tử vong. Trong khi đó, New Zealand đã trải qua 5 ngày mà không có ca mắc COVID-19 nào mới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 1.504 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 21 người tử vong.
Tuy nhiên, theo một kết quả khảo sát, do Đại học Monash của Australia tiến hành đối với 1.000 phòng khám địa phương, các bệnh viện tại nước này đang đối mặt với nguy cơ phải tiếp nhận làn sóng bệnh nhân thứ 2 và thứ 3 do dịch COVID-19 trong giai đoạn từ nay đến Giáng sinh.
Trung Quốc tiếp tục không có ca nhiễm mới trong nước
Giới chức y tế Trung Quốc thông báo không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào ở trong nước trong ngày 26/5.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 27/5 đã thông báo kết quả trên trong báo cáo hằng ngày, theo đó cho biết ngày 26/5 có một ca nhiễm nhập cảnh tại thành phố Thượng Hải. NHC cũng cho biết không có thêm ca tử vong nào do COVID-19 tại Trung Quốc. Ngoài ra, thêm 3 bệnh nhân đã khỏi bệnh, theo đó tổng số người được xuất viện tăng lên 78.280 người. Còn 79 bệnh nhân đang được điều trị.
Tính đến hết ngày 27/5, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 82.993 ca mắc và 4.634 ca tử vong vì COVID-19.
Giới chức hàng không Trung Quốc sẽ cân nhắc tăng số chuyến bay quốc tế miễn là nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ bên ngoài được kiểm soát. Số chuyến bay quốc tế tối đa được phép khai thác hiện nay là 134 chuyến/tuần. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng lên 407 chuyến/tuần từ ngày 1/6 tới.
Hiện các hãng hàng không Trung Quốc phải giảm số chuyến bay xuống còn một chuyến/tuần đến một quốc gia nhất định, trong khi các hãng hàng không nước ngoài cũng chỉ được yêu cầu giới hạn chuyến bay tới Trung Quốc xuống một chuyến/tuần.
Hàn Quốc phạt tù người vi phạm luật phòng bệnh truyền nhiễm
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC) ngày 27/5 cho biết nước này đã ghi nhận 40 ca nhiễm, trong đó 37 ca lây nhiễm trong nước và 3 ca nhập cảnh, nâng tổng số người mắc bệnh ở Hàn Quốc lên 11.265 trường hợp. Đây là số ca mắc trong ngày nhiều nhất tại Hàn Quốc trong 49 ngày qua.
Hàn Quốc đã dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh sau vụ lây nhiễm tập thể từ ổ dịch Itaewon, song KCDC nhấn mạnh phải hết sức cảnh giác với những trường hợp phát hiện nhiễm bệnh khá muộn, nhất là khi đang có dấu hiệu bùng phát thêm các ổ dịch tập thể tại bệnh viện Samsung (ở thủ đô Seoul) và một số khu vực đông người nước ngoài như thành phố Ansan, Incheon ... có nguồn gốc lây nhiễm từ ổ dịch Itaewon.
Nhằm răn đe những người cố tình vi phạm các quy tắc phòng dịch, Tòa án khu vực Uijeongbu, tỉnh Gyeonggi ngày 26/5 đã tuyên án 4 tháng tù giam đối với một công dân vi phạm Luật phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
Nhật Bản thúc đẩy sáng kiến "Go To Travel" khôi phục du lịch
Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách khôi phục ngành du lịch, một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, bằng cách cấp tiền cho người dân đi du lịch trong nước.
Theo sáng kiến “Go To Travel”, Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp tới 20.000 yen/ngày cho người dân đi du lịch. Khoản hỗ trợ trên sẽ trang trải một nửa chi phí cho các chuyến đi, được cấp thông qua việc kết hợp giảm giá mạnh và các phiếu quà tặng sử dụng tại các cửa hàng và nhà hàng gần điểm du lịch. Sáng kiến này dự kiến bắt đầu được triển khai vào cuối tháng 7 tới, áp dụng đối với người dân đặt tour du lịch qua các công ty du lịch Nhật Bản hoặc đặt trực tiếp với khách sạn hay các nhà trọ truyền thống ở nước này.
Khoảng 1.350 tỷ yen trong gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá hơn 200.000 tỷ yen của Chính phủ Nhật Bản sẽ được dành cho sáng kiến "Go To Travel".
Chính phủ Nhật Bản mong muốn khởi động lại nền kinh tế vốn chịu tác động nặng nề sau khi thuế tiêu dùng tăng hồi năm ngoái và tiếp theo là đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh doanh đều bị ngừng trệ. Ngành du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 khiến nhiều người dân Nhật Bản phải ở nhà. Hy vọng một lượng lớn du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong mùa Hè này đã tiêu tan khi Tokyo Olympics bị hoãn và Nhật Bản áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Tokyo Shoko, 31 công ty kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn ở nước này đã tuyên bố phá sản hoặc chuẩn bị đệ đơn phá sản trong tháng 4 vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.