Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 7.979.350 ca, trong đó có 435.070 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 4.096.198 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 54.121 và 3.448.082 ca đang điều trị tích cực.
Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Số ca tử vong trên thế giới hiện không còn tập trung tại một vài nước, mà có xu thế trải đều trên diện rộng. Trong 24 giờ qua, có tới 8 nước ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 100 ca/ngày. Cho tới thời điểm sáng 15/6, cũng có ba quốc là Mỹ, Brazil và Ấn Độ ghi nhận ca mắc mới trong ngày ở mức trên 11.000.
Brazil là quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong vì COVID-19 nhất thế giới trong vòng 24 giờ qua. Quốc gia Nam Mỹ này có thêm 541 bệnh nhân thiệt mạng và 16.828 trường hợp dương tính mới với virus.
Tới sáng 15/6 theo giờ Việt Nam, Brazil ghi nhận tổng cộng 867.624 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 43.332 ca tử vong. Brazil đã vượt qua Anh để trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Tuy nhiên, việc cập nhật và công bố số liệu COVID-19 tại Brazil là vấn đề gây tranh cãi, các chuyên gia nhận định số ca mắc trên thực tế có thể cao gấp 10 hoặc 15 lần. Bộ Y tế Brazil đã ra mắt một trang web mới cập nhập số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn quốc.
Trang thông tin điện tử có tên miền “susanalitico.saude.gov.br” còn cung cấp thông tin về số bệnh nhân hồi phục và số người đang trong diện theo dõi, cũng như các biểu đồ hàng ngày về số ca tử vong do COVID-19.
Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì virus SARS-CoV-2. Song trong vòng 1 ngày qua tính tới sáng 15/6 theo giờ Việt Nam, "xứ sở cờ hoa" chỉ đứng ba thế giới về số ca tử vong mới với 322 ca.
Trong ngày 14/6, Mỹ ghi nhận 18.892 bệnh nhân mới, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong tại nước này lên lần lượt 2.161.116 và 117.849 trường hợp.
Dù tâm dịch New York hay New Jersey đã hạ nhiệt, song số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và nhập viện trong ngày 14/6 lại tăng đột biến ở nhiều tiểu bang khác của Mỹ, trong đó có Florida và Texas, trong bối cảnh hầu hết các bang trên toàn nước Mỹ đang thúc đẩy việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, số lượng các ca nhập viện vì virus SARS-COV-2 tại một số bang của Mỹ như Arkansas, Bắc Carolina, Texas và Utah tăng kỷ lục, mặc dù số liệu này không bị tác động bởi tỷ lệ xét nghiệm. Ở bang Nam Carolina, 69-77% giường bệnh đã được sử dụng để phục vụ bệnh nhân COVID-19 theo từng khu vực.
Số liệu trên làm dấy lên lo ngại về làn sóng bùng phát dịch thứ 2 khi các bang đang chuẩn bị cho việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong khi một số bang không đáp ứng được các điều kiện để mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, hầu hết các bang sẽ không thể xem xét việc đóng cửa lần thứ 2 do họ phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức 2 con số.
Trong khi đó, châu Âu ghi nhận tín hiệu tích cực khi đà lây lan có xu hướng giảm. Theo báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), làn sóng nhiễm đại dịch COVID-19 đã vượt qua đỉnh điểm ở tất cả các nước trong khối, trừ Ba Lan và Thụy Điển.
Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca mắc COVID-19 so với thời điểm đỉnh của đại dịch. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất.
Tại các nước EU, tỷ lệ lây nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, trong khi Thụy Điển là quốc gia duy nhất có tỷ lệ lên tới trên 100 trường hợp trên 100.000 dân.
Tây Ban Nha tuyên bố sẽ mở cửa lại biên giới với các nước thuộc khu vực Schengen của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 21/6 tới. Riêng với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha quyết định sẽ mở cửa biên giới vào ngày 1/7 như thông báo trước đó.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 14/6 công bố nước này ghi nhận thêm 338 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 236.989 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy tăng 44 ca lên 34.345 trường hợp và số ca hồi phục là 176.370 người (tăng 1.505 ca). Cơ quan Bảo vệ dân sự cho biết số ca nhập viện với các triệu chứng hiện là 3.594 người (giảm 153 trường hợp), trong đó số ca điều trị tích cực chỉ còn 209 ca (giảm 11 trường hợp).
Tối 14/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh "chiến thắng đầu tiên" của nước này trước đại dịch COVID-19, nhưng cảnh báo cần phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội "trong một thời gian dài".
Trong bài phát biểu trên truyền hình lần thứ 4 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Tổng thống Macron tuyên bố toàn bộ các vùng của nước Pháp, ngoại trừ lãnh thổ hải ngoại Mayotte và Guyana nơi virus SARS-CoV-2 vẫn còn đang lây lan mạnh, sẽ được xếp loại an toàn kể từ ngày 15/6. Các quán cà phê và nhà hàng tại vùng thủ đô Île-de-France được phép mở cửa trở lại.
Các trường học của nước Pháp tiến hành các biện pháp chuẩn bị để có thể tiếp nhận tất cả học sinh như bình thường từ ngày 22/6. Các gia đình được phép đến thăm người thân tại các viện dưỡng lão. Bên cạnh đó, vòng bầu cử địa phương lần thứ 2 có thể diễn ra vào ngày 28/6.
Tổng thống Macron cho biết người dân Pháp sẽ được tự do di chuyển trong châu Âu từ ngày 15/6, cũng như đến các quốc gia bên ngoài châu Âu nơi dịch bệnh được kiểm soát từ ngày 1/7.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 15/6 (theo giờ Hà Nội), Pháp ghi nhận tổng cộng 157.220 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 29.407 ca tử vong, 72.859 bệnh nhân đã bình phục và 869 người đang phải điều trị tích cực.
Trong khi đó, tại một loạt quốc gia châu Á, diễn biến dịch đang có dấu hiệu phức tạp làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Tại Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận tới 57 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh Pang Xinghuo thông báo tất cả các trường hợp trên đều liên quan đến khu chợ Tân Phát Địa (Xinfadi) ở quận Phong Đài (Fengtai), Tây Nam thủ đô.
Đa số các bệnh nhân buôn bán ở chợ hoặc tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với khu chợ bán buôn này. Tất cả 43 ca được ghi nhận tại Bắc Kinh trong 3 ngày trước đó cũng đều liên quan đến chợ Tân Phát Địa.
Tờ China Daily dẫn lời giới chức thủ đô Bắc Kinh cho hay 11 khu vực dân cư tại phía Nam thành phố này đã được lệnh phong tỏa sau khi xuất hiện các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp tại đây.
Chu Junwei, một quan chức tại quận Phong Đài của thủ đô Bắc Kinh cho hay quận này đã được đặt trong “tình trạng khẩn cấp thời chiến” sau sự bùng phát các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu chợ bán buôn Xinfadi của thành phố. Ít nhất 6 khu chợ bán buôn lớn trong thành phố cũng được đóng cửa.
Ở Nhật Bản, thành phố Tokyo xác nhận thêm 47 ca mắc mới, chỉ vài ngày sau khi dỡ bỏ cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thủ đô. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 5/5, số ca mắc mới trong ngày của Tokyo tăng lên trên 40 người.
Trước diễn biến mới, giới chức Nhật Bản đang lo ngại nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai bùng phát tại thủ đô của Nhật Bản. Với số ca mới phát hiện, Tokyo đến nay ghi nhận tổng cộng 5.544 ca mắc.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, cả nước đến nay ghi nhận tổng cộng 17.529 ca mắc, chưa bao gồm 712 ca mắc trên du thuyền Diamond Princess. Số ca tử vong tại nước này là 940 ca, chưa bao gồm số ca tử vong trên du thuyền Diamond Princess. Tổng cộng 16.298 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện, trong đó có 655 bệnh nhân liên quan đến du thuyền nói trên.
Giới chức y tế Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 34 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 12.085 ca. Tuy nhiên, Hàn Quốc không ghi nhận thêm bất cứ ca tử vong nào.
Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành "kiểm tra y tế trong cuộc sống hàng ngày" bắt đầu từ 6/5 vừa qua, song ngay sau đó cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới gần một nửa dân số Hàn Quốc.
Ấn Độ đang là điểm nóng dịch của châu Á, nước này ghi nhận thêm 11.929 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên 320.922 ca, trong đó có 9.195 ca tử vong. Như vậy, số ca mắc bệnh COVID-19 và số ca tử vong ở Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng 6.
Tại Iran, nhà chức trách đã ghi nhận thêm 107 ca tử vong do COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca COVID-19 không qua khỏi tại đây lên 8.837 ca.
Đây là lần đầu tiên trong 2 tháng qua Iran thông báo hơn 100 ca tử vong mới trong một ngày. Iran ghi nhận thêm 2.472 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 187.427 ca.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 15/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.813 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.200 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có ba quốc gia Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Tình hình tiếp tục diễn biến nghiêm trọng và ngày một xấu đi ở Indonesia; Malaysia đối mặt với nguy cơ mới sau khi liên tiếp ghi nhận các ca tử vong những ngày qua, sau hơn 1 tháng khống chế tốt đại dịch. Trong ngày, khu vực Đông Nam Á có 6 nước ghi nhận các ca nhiễm bệnh mới.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.435 người dân ở khu vực này, tăng 58 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 117.306 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 61.203 trường hợp.
Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia vẫn là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 2.130 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines.
Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Tại Australia, giới chức bang New South Wales thông báo sẽ dỡ bỏ giới hạn 50 người tại các địa điểm trong nhà như quán cà phê, quán rượu, nhà hàng và nhà thờ từ ngày 1/7 để giúp khôi phục các hoạt động kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, bang Victoria cũng thông báo từ đầu tuần tới các quán cà phê, nhà hàng và quán rượu ở bang sẽ có thể tiếp nhận tối đa 50 khách tại cùng một thời điểm so với mức mức giới hạn hiện nay là 20 người.
Ngày 14/6, Bộ Y tế Ai Cập cho biết quốc gia này đã ghi nhận thêm 1.618 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 44.598 người. Đáng chú ý, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này tăng thêm 91 trường hợp, đánh dấu số trường hợp tử vong cao kỷ lục trong ngày và nâng tổng số ca tử vong lên 1.575 người.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân được xuất viện cùng ngày là 402 người, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 11.931 người. Bên cạnh đó, thủ đô Cairo, tỉnh Giza và tỉnh Qalioubiya hiện là 3 khu vực ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất, trong khi tỉnh Biển Đỏ, Matrouh và Nam Sinai ghi nhận số ca mắc bệnh thấp nhất.
Ngày 14/6, ông Costantinos Bt. Costantinos - thành viên của Uỷ ban kinh tế Liên hợp quốc tại châu Phi (UNECA) đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc COVID-19 mới tại châu Phi, đặc biệt khi tình trạng này tập trung ở một số quốc gia.
Số liệu do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) công bố, từ ngày 2-10/6, các nước châu Phi đã ghi nhận 43.812 ca mắc mới, tăng 29% so với tuần trước đó. Khoảng 72% số ca mắc mới tập trung ở 5 nước là Nam Phi (38%), Ai Cập (21%), Nigeria (5%), Cameroon và Ghana (cùng 4%).