Điểm mặt các công trình trú ẩn tránh tên lửa của người Israel

Là quốc gia thường xuyên đối mặt với bom đạn và tên lửa, Israel quy định tất cả các tòa chung cư, công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy... đều phải xây dựng khu vực trú ẩn để người dân lánh nạn.

Chú thích ảnh
Phòng trú ẩn dưới tầng hầm của một tòa nhà tại Tel Aviv. Ảnh: Văn Ứng - P/v TTXVN tại Tel Aviv

Trong cuộc xung đột đang diễn ra suốt tuần qua, mỗi ngày Hamas ở Dải Gaza bắn hàng trăm quả đạn pháo và tên lửa sang lãnh thổ Israel để trả đũa việc quân đội Israel tấn công lực lượng này. Theo Luật phòng thủ dân sự của Israel, ban hành năm 1951 và sau đó nhiều lần được sửa đổi, tất cả các ngôi nhà, khu dân cư, cơ quan và công trình công nghiệp đều phải xây dựng thêm nơi trú ẩn.

Bên cạnh đó, Israel cũng mở nhiều chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn người dân phương pháp trú ẩn an toàn mỗi khi có tiếng còi báo động vang lên. Trong những cuộc đụng độ với Hamas gần đây, các hầm trú ẩn cùng với hệ thống tên lửa đánh chặn Iron Dome (Vòm Sắt) đã giúp Israel hạn chế rất hiệu quả số người thương vong do đạn pháo từ Palestine bắn sang.

Ý tưởng về nơi trú ẩn ra đời sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, nhằm giúp người dân nhanh chóng tiếp cận nơi an toàn tránh bom, đạn, tên lửa hoặc vũ khí hóa học. Sau này, với sự phát triển của ngành xây dựng, người Israel có xu hướng xây dựng phòng trú ẩn ngay trong căn hộ của mình. Mỗi khi có báo động tên lửa, người dân chỉ cần nhanh chóng vào phòng trú ẩn đóng chặt cửa và chờ đợi đến khi hết báo động 10 phút là có thể yên tâm ra ngoài.

Hiện ở Israel đang có một số loại hình công trình trú ẩn cơ bản như sau:

Hầm trú ẩn: Tất cả các ngôi nhà, khu dân cư và công trình công nghiệp ở Israel bắt buộc phải xây dựng hầm trú ẩn. Luật cũng cho phép một số ngôi nhà hoặc tòa chung cư có thể sử dụng chung một hầm trú ẩn. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các hầm để xe có thể được trưng dụng làm nơi trú ẩn hoặc bệnh viện dã chiến. Hầm trú ẩn phải luôn không đóng cửa để bất cứ ai cũng có thể nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận khi có còi báo động vang lên.

Chú thích ảnh
Trẻ em Israel trong một hầm trú ẩn. Ảnh: Jerusalem Post

Phòng trú ẩn: Đây là hình thức trú ẩn phổ biến nhất tại Israel. Phòng trú ẩn được xây dựng ngay trong các căn hộ, các tầng của tòa nhà hoặc các khu vực công cộng khác. Phòng trú ẩn được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có vị trí gần lối vào các căn hộ. Thông thường các phòng này được cư dân tận dụng làm kho chứa đồ, nhưng khi có biến cố, nơi đây sẽ được yêu cầu dọn dẹp để sẵn sàng cho người dân vào trú ẩn bất cứ thời điểm nào.

Công sự: Các khu dân cư gần Dải Gaza thường xây dựng thêm các công sự, là các cấu trúc mái vòm trên các tòa nhà nhằm tránh bị tên lửa xuyên thủng. Từ năm 2008, chính phủ Israel đã xây dựng trạm chờ xe buýt kiên cố bằng bê tông cốt thép nhằm tránh bị các mảnh đạn bắn xuống. Từ năm 2009, tất cả các trường học ở miền Nam đã được gia cố thêm công sự để chống tên lửa.

Migunit: Đây là một cấu trúc bê tông có hình dạng giống như một cái chuông hoặc hình hộp, có đủ không gian cho một nhóm nhỏ khoảng 10 người trú ẩn. Migunit có thể được di chuyển tới đặt ở các bãi đất trống hoặc gần đường giao thông để người dân thuận tiện tiếp cận khi có báo động. 

Ống cống là đường ống dài vài mét được đặt gần nhà có thể chui vào trú ẩn tạm thời.

Theo yêu cầu của cơ quan phụ trách về an toàn dân sự, kích thước tối thiểu của phòng trú ẩn như sau: Diện tích phủ bì 13m2 (3,6m x 3,6m), diện tích thông thủy 9m2 (3m x 3m). Độ dày của tường phủ ngoài 25cm, độ dày của tường bên trong 20cm, độ dày của trần 30cm. Phòng phải được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, có cửa gia cố bằng kim loại.

Chú thích ảnh
Người Israel ẩn náu trong một ống cống khi có báo động rocket phóng từ Gaza. Ảnh: Getty Images

Thông thường, phòng trú ẩn sẽ là phòng trong cùng của tòa nhà, hạn chế diện tích tường tiếp xúc với bên ngoài, không có cửa sổ hoặc cửa sổ có diện tích nhỏ và tường không được ốp bằng các vật liệu dễ vỡ tạo mảnh bắn gây thương tích như sứ, gạch, gương, thủy tinh… Đối với các tòa căn hộ cũ, luật quy định phải có phòng trú ẩn với tường bê tông cốt thép dày ít nhất 12 cm hoặc tối thiểu phải có gầm cầu thang bê tông với các trụ đỡ đủ để giữ cho tòa nhà đủ an toàn trước bom đạn và tên lửa.

Trước đây, khi chưa có quy định rõ ràng, mỗi phòng trú ẩn chỉ rộng 5m2 và thường được sử dụng làm phòng giặt hoặc kho chứa. Sau đó luật đã quy định diện tích tối thiểu là 9m2 nhưng hầu hết gia đình vẫn sử dụng phòng trú ẩn làm phòng ngủ phụ hoặc phòng làm việc.

Khi xảy ra chiến sự, trong mỗi phòng trú ẩn người dân thường để một số vật dụng như thực phẩm đóng hộp, đèn khẩn cấp, thiết bị liên lạc, bình cứu hỏa, bản sao các tài liệu quan trọng, sạc điện thoại và pin, nước đóng chai. Ngoài ra còn có một số đồ dùng cá nhân như tiền, quần áo, nến, thuốc men, bộ sơ cứu và các số điện thoại quan trọng.

Cao Văn Ứng (P/v TTXVN tại Tel Aviv)
Tin giả thổi bùng xung đột giữa Israel và người Palestine
Tin giả thổi bùng xung đột giữa Israel và người Palestine

Nhiều thông tin sai lệch về xung đột bạo lực giữa Israel và người Palestine đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các nền tảng xã hội như Twitter, TikTok và Facebook.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN