Chính phủ Ấn Độ nêu rõ tỷ lệ mắc bệnh tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này là 727,4 ca COVID-19/1 triệu dân, ít hơn 4-8 lần so với một số nước châu Âu. Tỷ lệ tử vong ở Ấn Độ ở mức 18,6 ca/1 triệu dân thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Đáng chú ý, chưa đến 1,94% tổng số ca mắc bệnh của nước này chữa trị tại các khu điều trị tích cực (ICU), chỉ 0,35% số ca sử dụng máy thở và 2,81% số ca là sử dụng giường có thiết bị hỗ trợ thở oxy.
Mặc dù Maharashtra, Tamil Nadu và Delhi đã phát hiện thêm hàng nghìn ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, song 4 bang miền Đông Ấn Độ là Tây Bengal, Odisha, Assam và Bihar đang trở thành những mối lo ngại lớn nhất đối với chính phủ trung ương trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Các bang này đang ghi nhận tỷ lệ dương tính cao dù mức xét nghiệm thấp. Sự xuất hiện của các ổ dịch mới bên trong các khu vực kiểm soát dịch đang thể hiện những bất cập trong chiến lược cách ly phòng dịch tại những nơi này.
Tại Indonesia, Bộ Y tế cho biết trong ngày 18/7, nước này đã ghi nhận thêm 1.752 ca nhiễm mới và 59 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lên lần lượt là 84.882 ca và 4.106 ca. Số bệnh nhân phục hồi đã tăng thêm 1.434 người lên 43.268 người.
Trong 24 giờ qua, 6 khu vực gồm Bắc Sumatra, Nam Kalimantan, Jakarta, Trung Java, Đông Java và Nam Sulawesi đều có số ca nhiễm mới cao. Giới chức y tế Indonesia kêu gọi người dân tuân thủ các quy định y tế để giảm thiểu số ca nhiễm mới.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho hay đã ghi nhận thêm 2.357 ca nhiễm mới và 113 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca nhiễm mới và tử vong đã tăng lên lần lượt là 65.304 ca nhiễm và 1.773 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm mới tập trung tại thủ đô Manila và thành phố Cebu, miền Trung Philippines.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại thủ đô Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 290 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày ở thành phố này trên ngưỡng 200 ca.
Trước đó một ngày, Tokyo đã phát hiện 293 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1 năm nay. Điều này khiến không ít người lo ngại Tokyo đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2.