Dịch COVID-19: Malaysia đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này đã đạt kỷ lục mới về số người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong ngày 5/7, với 313.761 liều vaccine đã được sử dụng, trong đó có 117.158 liều là tiêm mũi thứ 2.

Chú thích ảnh
Nhân viên sân bay được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ở Sepang, Malaysia, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến nay, Malaysia đã tiêm được 9,32 triệu liều vaccine, trong đó có 6.585.002 người đã tiêm mũi thứ nhất, tương đương 20,16% dân số và 2.735.476 người được tiêm đủ 2 mũi, chiếm 8,38% dân số. Bang Sarawak tiếp tục dẫn đầu về tiêm chủng, khi có 1.226.659 người hoàn thành việc tiêm mũi thứ nhất và 326.285 người hoàn thành cả 2 mũi tiêm. Đáng chú ý, tỷ lệ người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thủ đô Kuala Lumpur ở mức cao, khi có tới 67% người dân được tiêm mũi 1 và 14,4% số người tiêm đủ 2 mũi.

Nhà chức trách Malaysia cho biết trong tháng này, sẽ nhận thêm 14,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, gồm 6,43 triệu liều của Pfizer, 1,59 triệu liều của AstraZeneca và 6,38 triệu liều của Sinovac.

Cùng ngày, Chính phủ Phần Lan thông báo tất cả du khách nước ngoài đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã mắc và khỏi bệnh trong 6 tháng qua, hoặc đến từ nước được xác định là "an toàn" đều có thể nhập cảnh nước này mà không phải xét nghiệm thêm.

Trong khi đó, những người chưa được tiêm phòng đầy đủ theo yêu cầu, cũng như không có giấy tờ chứng minh đã khỏi bệnh, phải được xét nghiệm ngay khi đến. Một người có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ có thể nhập cảnh vào nước này, nhưng phải xét nghiệm trong từ 3-5 ngày sau đó. Những người chỉ tiêm 1 liều vaccine cũng phải lấy mẫu xét nghiệm ngay tại biên giới.

Quốc hội Phần Lan đã thông qua Luật sửa đổi về an ninh y tế biên giới, dựa trên chính sách nhập cảnh mới vào ngày 2/7 và Tổng thống Sauli Niinisto đã ký ban hành thành luật vào ngày 5/7. Theo danh sách được công bố trên website của Chính phủ Phần Lan, các quốc gia và khu vực đủ điều kiện là an toàn gồm Australia, Trung Quốc đại lục, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), vùng lãnh thổ Macau (Trung Quốc), Iceland, Israel, Malta, Ba Lan, San Marino, Singapore, New Zealand, Vatican và một số thành phố ở Na Uy. Dự kiến chính sách nhập cảnh trên sẽ có hiệu lực đến giữa tháng 10 tới.

Liên quan đến vấn đề vaccine, nhà chức trách Phần Lan cho biết mặc dù số người được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19 ở nước này đang gia tăng, song vẫn thấp so với mặt bằng chung của Liên minh châu Âu. Theo kế hoạch, Phần Lan sẽ xem xét lại danh sách khu vực "an toàn" vào tháng 8 tới.

Trong khi đó, truyền thông Anh đưa tin các công dân nước này về từ các nước trong danh sách "màu hổ phách", đã được tiêm đủ liều vaccine, sẽ không phải cách ly. Động thái trên sẽ sớm nhất triển khai từ ngày 19/7.

Theo truyền thông Anh, các bộ trưởng dự kiến sẽ gặp nhau trong tuần này để thông qua chính sách cho phép công dân nước này về từ các nước trong danh sách "màu hổ phách" sẽ không phải cách ly 10 ngày. Tờ The Sun đưa tin Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps sẽ công bố việc thay đổi các quy định vào ngày 8/7 tới và những người về từ các nước trên sẽ phải xét nghiệm COVID-19 trước khi quay lại Anh hoặc phải xét nghiệm PCR vào ngày thứ 2 sau khi trở về nước.

Tính đến nay, 86,2% số người trưởng thành ở Anh đã tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19 và 64,3% số người trưởng thành đã được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Mạnh Tuân - Ngọc Hà (TTXVN)
Campuchia ghi nhận số ca nhập cảnh cao nhất từ trước đến nay
Campuchia ghi nhận số ca nhập cảnh cao nhất từ trước đến nay

Campuchia ngày 7/7 ghi nhận 256 ca mắc COVID-19 là hành khách nhập cảnh - mức cao nhất từ trước đến nay, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ biến thể Alpha và Delta xâm nhập từ nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN