Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 27.203 ca nhiễm mới. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 951.651 ca mắc COVID-19, trong đó có 27.203 trường hợp tử vong.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới và tử vong tại Indonesia liên tục tăng cao, làm dấy lên quan ngại các bệnh viện của nước này có thể quá tải và sụp đổ trong những ngày tới. Thống kê cho thấy, số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện hiện đã chiếm tới 87% công suất, trong khi số giường tại khoa hồi sức tích cực chiếm 82%.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trước tình hình trên, Indonesia đã quyết định gia hạn thời gian thực thi lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại hai đảo Java và Bali từ ngày 26/1-8/2. Tuy nhiên, trong lần gia hạn này, PPKM có một số điều chỉnh về thời gian hoạt động của các trung tâm thương mại và nhà hàng.
Theo đó, những cơ sở này sẽ được mở cửa tới 20h hằng ngày thay vì 19h trước đó. Ngoài ra, các văn phòng, công sở cũng bị giới hạn ở mức 25% công suất, đồng nghĩa với việc 75% nhân viên phải làm việc tại nhà. Tương tự, các hoạt động học tập, giảng dạy chỉ được tiến hành trực tuyến.
Các lĩnh vực thiết yếu liên quan đến những nhu cầu cơ bản vẫn được phép hoạt động 100% công suất song phải tuân thủ quy trình y tế nghiêm ngặt hơn. Chính phủ cũng cho phép lĩnh vực xây dựng hoạt động 100% công suất song bắt buộc phải thực hiện các thủ tục y tế. Các cơ sở tôn giáo vẫn được phép mở cửa song chỉ với 50% công suất.
Trước đó, trong nỗ lực nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19, Chính phủ Indonesia đã quyết định triển khai giai đoạn đầu của PPKM trong thời gian từ ngày 11-25/1 tại 4 tỉnh và 2 đặc khu trên đảo Java và Bali với tổng cộng 150 triệu dân, chiếm hơn một nửa dân số Indonesia.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 1.783 ca nhiễm mới và 74 trường hợp tử vong, đưa tổng số trường hợp nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là là 507.717 người và 10.116 người.
Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 142 ca mắc COVID-19, trong đó có 125 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 12.795 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.482 trường hợp không qua khỏi.
Cũng trong ngày 21/1, giới chức thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo tính từ đầu tháng 1 tới nay, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại thành phố này đã vượt hơn 30.000 ca, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca nhiễm của thành phố này.
Trong 24 giờ qua, thủ đô Tokyo có thêm 1.471 ca nhiễm. Kể từ khi bước sang tháng 1/2021, mỗi ngày số ca nhiễm tại Tokyo hầu như đều tăng ở mức 4 con số. Kể từ ngày 1/1 đến nay, số ca nhiễm tại Tokyo hiện là 30.482 ca, trong khi tổng số ca nhiễm từ trước tới nay là 90.659 ca.
Số ca nhiễm không ngừng tăng đã làm dấy lên quan ngại hệ thống y tế của Nhật Bản có thể sụp đổ, với số người tử vong tại nhà gia tăng đáng kể.
Nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, ngày 7/1, Thủ tướng Suga Yoshihide đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng tại thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, sau đó nâng lên thành 7 tỉnh, thành. Theo lệnh tình trạng khẩn cấp, người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết và các nhà hàng phải rút ngắn thời gian mở cửa.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc trong 24 giờ qua là 401 người, trong đó có 380 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc ở mức 400 người. Số ca nhiễm mới trong ngày tại Hàn Quốc trong tuần trước là 500 người, song đã giảm xuống còn 389 người vào ngày 18/1 và 386 người vào ngày 19/1.
Mặc dù số ca nhiễm mới dường như đang giảm dần, song nhà chức trách Hàn Quốc vẫn khuyến cáo người dân cảnh giác và duy trì các biện pháp phòng dịch.