COVID-19 tại ASEAN hết 20/1: Cả khối thêm trên 19.000 ca bệnh; Indonesia-Phillippines chưa tới đỉnh dịch

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 19.026 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 40.660 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Shah Alam, Malaysia, ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 12.568 ca COVID-19 và 267 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 939.948 ca và 26.857 ca.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 64 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây.

Ngược lại, Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 4.008 ca bệnh mới, 11 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế diễn tập tiêm phòng COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 19/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Myanmar trong 24 giờ qua số ca mắc COVID-19 đã giảm hơn chút, đồng thời ghi nhận thêm 11 ca tử vong. Như vậy, hết ngày 20/1, Myanmar có tổng cộng 135.721 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 2.997 người không qua khỏi.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Nước này trong ngày phát sinh một ca tử vong vì đại dịch.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 40.664 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 354 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.825.193 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.499.592 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 20/1.  

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 11/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, tình hình dịch tại một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Philippines vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới tăng nhanh.

Cụ thể, Bộ Y tế Malaysia cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 4.008 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 169.379 ca. Trong số các ca nhiễm mới, có 4.003 ca lây nhiễm trong nước. Số ca tử vong đã tăng thêm 11 ca lên 630 ca. Tổng số bệnh nhân phục hồi là 127.662 người.

Tại Indonesia, Bộ Y tế thông báo trong 24 giờ qua, số ca nhiễm đã tăng thêm 12.568 ca lên 939.948 ca, trong khi số ca tử vong tăng 267 ca lên 26.857 ca.  Số bệnh nhân phục hồi và xuất viện đã tăng thêm 9.755 người lên 763.703 người.

Dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia, trong đó Jakarta là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 3.786 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Tại Philippines, Bộ Y tế đã ghi nhận thêm 64 ca tử vong, nâng tổng số ca vong do COVID-19 tại đây lên 10.042 ca. Tỷ lệ tử vong tại Philippines hiện là 1,98%. Trong khi đó, số ca nhiễm đã tăng thêm 1.862 ca lên 505.939 ca. Số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 765 người lên 466.993 người.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020, Philippines đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 6,95 triệu người trong tổng số 110 triệu dân.

Chú thích ảnh
Phun thuốc phòng COVID-19 tại Campuchia. Ảnh: The Stars

Hơn 350 triệu người dân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang rơi vào cảnh nghèo đói do đại dịch COVID-19 khiến họ bị cảnh thất nghiệp và giá lương thực tăng cao. Đây là cảnh báo đưa ra trong báo cáo công bố ngày 20/1 do Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp thực hiện. 

Theo 4 cơ quan trên, đại dịch COVID-19 đang khiến 1,9 tỷ người gặp khó khăn trong việc đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh. Một báo cáo trước đó dự đoán trong trường hợp xấu nhất, 828 triệu người có thể đối mặt với nạn đói nghiêm trọng do đại dịch. Báo cáo cho biết gần 688 triệu người trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng, hơn một nửa trong số này ở các nước châu Á. Các nước Nam Á ghi nhận tỷ lệ người dân bị suy dinh dưỡng cao nhất, trong đó Afghanistan ở mức cứ 10 người thì có 4 người bị thiếu ăn. 

Theo báo cáo, người dân tại Thái Lan, Lào, Bhutan và Indonesia đã phải chi nhiều tiền hơn cho các thực phẩm lành mạnh, ở mức 5 USD/ngày, trong khi con số này ở New Zealand và Australia là chưa đến 3 USD/ngày. Một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng thường tốn từ 2-3 USD/ngày tại hầu hết các nước, cả nghèo lẫn giàu, nhưng lại tốn kém hơn tại Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Trung Quốc trừng phạt 28 quan chức cấp cao và chính khách hàng đầu của Mỹ
Trung Quốc trừng phạt 28 quan chức cấp cao và chính khách hàng đầu của Mỹ

Nửa đêm 20/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào một loạt cựu quan chức hàng đầu và chính khách nổi tiếng của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN