Rủi ro và nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu đối diện sẽ gia tăng, việc có hóa giải hiệu quả những rủi ro và né tránh được những nguy cơ hay không cần đến sự phối hợp hành động, chung tay đối phó của các nền kinh tế trên toàn cầu.
Các rủi ro lớn đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay là dịch bệnh và lạm phát. Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể một lần nữa khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thương. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, thậm chí có xu hướng ngày càng mạnh. Dịch bệnh ở Mỹ và châu Âu dường như đang rơi vào trạng thái mất kiểm soát, trong khi nhiều nước đang phát triển do nguồn lực tài chính hạn chế, điều kiện y tế lạc hậu, đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Nếu trong năm 2022, thế giới không thể khống chế hiệu quả dịch bệnh, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục bị tổn thương và thế giới có thể một lần nữa rơi vào vòng xoáy đại suy thoái.
Trong khi đó, lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu có thể sẽ gây thiệt hại cho nhiều quốc gia và khu vực. Từ giữa năm 2021 đến nay, lạm phát của Mỹ và châu Âu liên tục tăng mạnh, trong đó tỷ lệ lạm phát tháng 11/2021 của Mỹ là 6,8%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Con số này của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 5%, cũng là mức cao nhất trong 25 năm. Tình hình của châu Âu và Mỹ cơ bản tương đồng, lạm phát cao sẽ không thể được giải quyết trong ngắn hạn. Do USD là đồng tiền mạnh toàn cầu và đồng euro cũng là đồng tiền mạnh thứ hai thế giới sau USD, nên lạm phát cao của Mỹ và châu Âu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nước và khu vực phụ thuộc vào hai đồng tiền này. Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ dẫn đến biến động của thị trường tài chính quốc tế.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), các biến thể của virus SARS-CoV-2 lan rộng, kết hợp với lạm phát, nợ và bất bình đẳng đã và đang làm gia tăng bất ổn. Tăng trưởng toàn cầu năm 2022 được dự báo ở mức 4,1%. Tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ đi kèm với gia tăng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023, nếu điều tiết phù hợp tốc độ này sẽ đủ để khôi phục sản lượng và đầu tư ở các nền kinh tế này về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ 6,3% năm 2021 xuống 4,6% năm 2022 và 4,4% năm 2023. Đến năm 2023, dự báo tất cả các nền kinh tế phát triển có thể khôi phục sản xuất hoàn toàn. Tuy nhiên, sản xuất ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn thấp hơn 4% so với mức trước đại dịch.