Với 52 phiếu thuận so với 47 phiếu chống, Thượng viện không đạt được 60 phiếu cần thiết trong 100 thành viên để dự luật trên được thông qua.
Điều này càng củng cố thêm triển vọng sẽ không có gói cứu trợ mới nào được Quốc hội Mỹ thông qua cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Roberts nhận định sau cuộc bỏ phiếu, tiến trình dẫn tới việc thông qua đề xuất cứu trợ mới đang đi vào “ngõ cụt”. Ông nói thêm: “Cùng với đại dịch COVID-19, Quốc hội Mỹ cũng đang trải qua một cuộc “đại dịch” chính trị. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Rand Paul, người phản đối việc thâm hụt chi tiêu trong dự luật mới, là thành viên đảng Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu chống.
Đàm phán giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã bế tắc trong gần một tháng qua về gói kích thích kinh tế mới thay thế Đạo luật Hỗ trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD đã được thông qua khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ hồi tháng 3 và các điều khoản chủ chốt của Đạo luật này, bao gồm trợ cấp thất nghiệp bổ sung và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đã kết thúc vào cuối tháng 7.
Cho đến nay, dịch COVID-19 đã làm khoảng 191.000 người Mỹ và hơn 900.000 người trên toàn cầu tử vong. Cộng đồng y tế và các chính trị gia trên toàn thế giới đang hy vọng vào việc phát triển một loại vaccine hiệu quả để kiềm chế các đợt bùng phát tiếp theo.
Đầu năm nay, Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng thông qua bốn dự luật về cứu trợ tài chính liên quan tới COVID-19, cung cấp khoảng 3.000 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh này.
Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật thứ năm vào tháng 5/2020, cung cấp thêm 3.000 tỷ USD, song kể từ đó dự luật này rơi vào bế tắc.
Tổng thống Donald Trump đã lấy nỗ lực xử lý đại dịch COVID-19 thành trọng tâm của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới. Trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, người dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận, đã cáo buộc ông Trump về sự không hiệu quả trong việc khống chế đại dịch, khiến hàng triệu việc làm bị mất.