Nhưng liệu thị trường Đông Nam Á có trở thành “cứu tinh” của Nga thay cho thị trường châu Âu hay không?
Giữa lúc các nước phương Tây tẩy chay mua năng lượng từ Nga, một số đối tác châu Á, sau Ấn Độ và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga, nhất là khi Nga giảm mạnh giá dầu xuất khẩu với mức chiết khấu so với giá dầu Brent chuẩn khoảng 20-25 USD/thùng.
Tổng công ty xăng dầu Indonesia PT Pertamina ngày 30/3 cho biết sẽ lên kế hoạch mua dầu giá rẻ từ Nga. Chủ tịch Pertamina, ông Nicke Widyawati, cho biết công ty sẽ mua dầu từ Nga sau khi cải tạo nhà máy lọc dầu Balongan ở Indramayu, Tây Java vào tháng Năm tới. Chủ tịch Nicke khẳng định, việc mua bán dầu với đối tác Nga là vì mục đích thương mại, không vì chính trị.
Theo dữ liệu từ đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường năng lượng của BP, tiêu thụ dầu từ khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào khoảng 6,1% tổng lượng tiêu thụ dầu thô thế giới trong năm 2020, tương đương 5,43 triệu thùng/ngày. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ tại thị trường châu Âu, chỉ tính riêng Đức và Hà Lan đã tiêu thụ 9,9 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Singapore và Indonesia là hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất ASEAN nhưng chỉ sử dụng 1,2-1,3 triệu thùng/ngày.
Tổng giá trị thu nhập của Nga từ ASEAN chỉ là 1,96 tỷ USD. Để so sánh, Nga nhận được từ châu Âu là 40,24 tỷ USD. Do đó, dù Nga chuyển hướng sang thị trường tiềm năng Đông Nam Á và các nước trong khu vực này tận dụng thời điểm giá dầu thô tại Nga giảm mạnh để nhập khẩu, điều đó cũng khó có thể cứu vãn được nền kinh tế Nga trong bối cảnh hiện nay.
Theo số liệu của nền tảng chuyên thu thập dữ liệu kinh tế OEC, trong năm 2020, Thái Lan nhập khẩu lượng dầu trị giá 911 triệu USD từ Nga, tương đương 6% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Malaysia đạt kim ngạch nhập khẩu dầu 116 triệu USD, chiếm 2,44% tổng kim ngạch nhập khẩu. Quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất ASEAN là Singapore với giá trị nhập khẩu dầu từ Nga là 68,36 triệu USD, trong khi Việt Nam là nước tiêu thụ thấp nhất với giá trị nhập khẩu là 25,7 triệu USD.