Theo Bruce Mellado - chuyên gia cố vấn cho chính quyền tỉnh Gauteng, địa phương đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc Omicron, biến thể mới đang lây lan mạnh ở Gauteng, với tốc độ nhanh hơn biến thể Delta hay các chủng đã được phát hiện trước đó. “Lây nhiễm cộng đồng tại Nam Phi hiện ở mức cao chưa từng có, phù hợp với xu hướng áp đảo của biến thể mới có mức lây lan nhanh hơn”, ông Mellado phát biểu ngày 2/12.
Tuy nhiên, mức miễn dịch cộng đồng đến từ số lượng lớn người từng nhiễm COVID-19 cùng với khoảng 25% dân số đã tiêm đủ vaccine có thể giúp Nam Phi hạn chế được thiệt hại mà biến thể mới có thể gây ra. Các nhà khoa học nước này ước tính khoảng 60-80% dân số nước này đã từng nhiễm SARS-CoV-2 trong các làn sóng lây nhiễm trước đó.
Theo Shabir Madhi, chuyên gia về virus tại Đại học Witwatersrand tại Johannesburg, Omicron dường như lây lan nhanh hơn so với Delta. Nhưng điều đáng chú ý là tỉ lệ ca bệnh nặng nhập viện không tăng. Đó là lý do để có thể lạc quan rằng bùng phát lây nhiễm lần này khiến tổng số ca mắc mới tăng, nhưng số nhập viện và tử vong sẽ thấp hơn.
Dựa trên mô hình dự báo chiều hướng phát triển của dịch bệnh, ông Mellado cho rằng lây nhiễm ở Gauteng nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong vài tuần tới, với khoảng 40.000 ca, thấp hơn mức 100.000 ca trong làn sóng thứ 3 từng tấn công tỉnh này hồi giữa năm nay. Tổng số ca nhập viện rơi vào khoảng 4.000 ca, chưa bằng một nửa so với mức đỉnh 9.500 từng ghi nhận trong làn sóng thứ 3. Gauteng được coi là trung tâm kinh tế lớn ở Nam Phi, với dân số chiếm khoảng 25% trong tổng số dân 60 triệu người.
Cùng thời điểm, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính với dữ liệu ban đầu thu thập được ở Nam Phi biến thể Omicron có thể chiếm khoảng 50% tổng số ca mắc tại châu Âu trong vài tháng tới. Tính đến ngày 2/12, toàn thế giới ghi nhận 352 ca nhiễm do biến thể Omicron gây ra, ở 27 quốc gia, trong đó cso 70 ca được ghi nhận ở 13 nước châu Âu.