Giới chuyên gia nhận định phản ứng này cho thấy sự thất vọng của Bình Nhưỡng đối với vai trò mà họ mong muốn Seoul đóng trong vấn đề hạt nhân.
Giáo sư Lim Eul-chul, thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông tại Đại học Kyungnam, nhận định: "Nếu Triều Tiên thực sự không quan tâm đến vai trò của Hàn Quốc thì họ sẽ không nặng lời hay gia tăng mức độ chỉ trích như vậy". Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định Triều Tiên đang tập trung vào việc hiện đại hóa hệ thống vũ khí thông thường của mình khi đàm phán hạt nhân với Mỹ vẫn bị đình trệ.
Ông Kim Dong-yup, giáo sư tại Viện Viễn Đông của Đại học Kyungnam, cho rằng: "Tên lửa được phóng hôm 10/8 (vụ phóng mới nhất) dường như là một loại tên lửa đạn đạo chiến thuật mặt đất tầm ngắn mới, khác với phiên bản Iskander của nó và hệ thống tên lửa đa năng cỡ nòng lớn mà Triều Tiên ra mắt gần đây".
Về phần mình, nhà phân tích cấp cao tại Diễn đàn an ninh quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul, ông Shin Jong-woo cho biết: "Giống như hệ thống tên lửa chiến thuật của Lục quân Mỹ (ATACMS), tên lửa mới của Triều Tiên có thể có khả năng bắn mảnh đạn ra một khu vực rộng, phạm vi sát thương lớn". Giáo sư Kim Dong-yup đánh giá: "Những động thái như vậy cho thấy Triều Tiên đã tham gia phát triển hệ thống vũ khí thông thường với chi phí thấp trong khi tiến hành đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân".
Triều Tiên đã bắt đầu đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của mình với Mỹ hồi năm ngoái, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 2 vừa qua không đạt thỏa thuận. Theo ông Trump, ông Kim đã bày tỏ mong muốn nối lại cuộc đối thoại khi cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc kết thúc.