Theo đài truyền hình Nga RT, ngày 15/12, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố căn cứ không quân Incirlik – vị trí cực kỳ quan trọng cho các lực lượng quân sự Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Trung Đông – có thể buộc phải đóng cửa nếu các nhà lập pháp Mỹ kiên quyết trừng phạt Ankara vì mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Incirlick không chỉ đơn thuần là một đường băng mà Mỹ sử dụng để hỗ trợ các nhiệm vụ dùng máy bay không người lái như tại châu Phi. Thay vào đó, đây là một căn cứ quy mô lớn ở Adana – một thành phố có 1,7 triệu người. Từ đây cách biên giới Syria chỉ 250 km, gần 5.000 binh sĩ Mỹ đóng quân, cũng như hàng trăm quân nhân Thổ Nhĩ Kì.
Không chỉ Incirlik, Tổng thống Erdogan còn đe dọa đóng cửa trạm quan sát Kurecik – một cơ sở độc lập nằm trên đỉnh đồi phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng như một chức năng cảnh báo sớm tấn công tên lửa đạn đạo.
Các nhà phân tích cho rằng những lời đe dọa của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là nghiêm túc và không quá bất ngờ. Ankara và Washington đang mắc kẹt trong một cuộc đấu kiếm ngoại giao. Đối với Mỹ, tổn thất trong trò chơi này là khá cao. Nếu Quốc hội Mỹ kiên quyết trừng phạt Ankara, Washington đối mặt với nguy cơ đốt cháy cây cầu nối với đồng minh NATO và đẩy nhà lãnh đạo Erdogan gần hơn vào quĩ đạo của các nước khác trong khu vực như Nga hay Iran.
“Dù quyết định của Mỹ là gì, thì cũng không hề khôn ngoan khi nghĩ rằng Tổng thống Erdogan đang nói suông”, Yusuf Erim – nhà phân tích chính trị tại TRT World – cho hay, “Ông Erdogan luôn làm theo những gì mình nói. Nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ, ngay lập tức sẽ nhận hậu quả. Hành động của Quốc hội có thể khiến Mỹ phải trả giá bằng hai căn cứ then chốt tại Thổ Nhĩ Kỳ”.
Chuyên gia phân tích nhấn mạnh một khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, điều đó có thể đẩy quan hệ Mỹ-Thổ lao dốc không phanh.
Bên cạnh việc cân nhắc các biện pháp trừng phạt vì thương vụ S-400 của Ankara, Thượng viện Mỹ ngày 12/12 thông qua nghị quyết công nhận tội diệt chủng người Armenia, cuộc thanh lọc sắc tộc được Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện vào đầu thế kỷ 20, đã giết chết khoảng 1,5 triệu người. Quan điểm chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ là chưa bao giờ xảy ra cuộc diệt chủng đó và người chết chỉ là một phần của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Động thái này đã khiến ông Erdogan càng thêm tức giận.
Ông Hüseyin Bağci – Giáo sư kiêm Chủ tịch Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara – lưu ý bất chấp mối quan hệ song phương vốn dĩ có phần căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ luôn nhận được những tín hiệu trái chiều từ Mỹ.
“Chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa các tổ chức chính quyền Mỹ và Tổng thống Mỹ. Tổng thống Trump rất thân với người đồng cấp Erdogan. Nhưng mỗi một tổ chức như Quốc hội, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao lại có chính sách của riêng mình”.
Theo Valeria Giannotta – một nhà học thuật người Italy đang làm việc tại Hiệp hội Hàng không thuộc Đại học Thổ Nhĩ Kỳ, "trò đá gà" giữa Washington và Ankara khắc họa thêm mối quan hệ đầy biến động giữa hai quốc gia.
“Trò đấu vật với Washington không mới, chúng ta nhiều lần chứng kiến thời điểm lên xuống trong mối quan hệ song phương trong một thời gian dài”, ông Giannotta lấy dẫn chứng việc Mỹ hậu thuẫn lực lượng người Kurd tại Syria cũng như lần Mỹ từ chối dẫn độ Giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gülen.
Ngay cả khi Mỹ vẫn đóng quân ở Incirlik, hai nước vẫn thể hiện sự bất đồng khi giải quyết các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng. Cụ thể, Ankara có mối quan hệ đặc biệt với Iran và coi quốc gia Cộng hòa Hồi giáo là một đối tác kinh tế. Sau khi ký thỏa thuận S-400 với Moskva, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây thấy rằng theo đuổi lợi ích của bản thân - trong khi tìm cách xoa dịu Washington – là điều không thể. Nếu Mỹ không cẩn trọng, cuộc đối đầu với ông Erdogan có thể sẽ phá vỡ một liên minh kéo dài hàng thập kỷ.