Theo đề xuất, số tiền hỗ trợ trên sẽ bao gồm 436 tỷ USD cho chính quyền các bang và địa phương, cũng như tiền cho giáo dục, xét nghiệm bệnh, hỗ trợ nhân viên ngành hàng không và một chương trình cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ tên là Chương trình Bảo trợ Lương. Đề xuất này cũng bao gồm một đợt chi trả trực tiếp cho người dân Mỹ, cụ thể là 1.200 USD cho mỗi người có đóng thuế, đồng thời khôi phục trợ cấp thất nghiệp liên bang 600 USD/tuần cho đến tháng 1/2021.
Cụ thể, dự luật đề xuất cung cấp 28,3 tỷ USD cho lĩnh vực hàng không, trong đó 25 tỷ USD dành cho các hãng chở khách và 3 tỷ USD dành cho các hãng chở hàng, theo cùng các tiêu chí trong gói cứu trợ lần đầu hồi tháng 3. Bên cạnh đó, 120 tỷ USD dành cho các nhà hàng, 13,5 tỷ USD dành cho các sân bay cũng như các lĩnh vực khác. Ngoài ra, gói cứu trợ trên sẽ dành 75 triệu USD để đảm bảo dịch vụ hàng không dân dụng đã lên kế hoạch cho các cộng đồng nhỏ.
Trong một bức thư gửi các nghị sĩ đảng Dân chủ, bà Pelosi cho biết dự luật trên đã bổ sung một số tiền cần thiết để tránh kịch bản tài chính tồi tệ cho các trường học, doanh nghiệp nhỏ, nhà hàng, các không gian biểu diễn, nhân viên hàng không...
Những ngày gần đây, bà Pelosi hy vọng có thể đạt một thỏa thuận với Nhà Trắng về gói cứu trợ chống COVID-19 và các cuộc đàm phán đang tiếp diễn. Tuy nhiên, bà không nêu rõ thời điểm đảng Dân chủ dự kiến bỏ phiếu thông qua đề xuất trên.
Các cuộc thảo luận chính thức giữa bà Pelosi với lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nhằm tìm kiếm đồng thuận về một gói cứu trợ đã bắt đầu từ ngày 7/8 nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất đồng. Bà Pelosi cũng chịu sức ép từ các nghị sĩ Dân chủ ôn hòa, những người muốn đề xuất hỗ trợ của hai đảng có cơ hội trở thành luật.
Trong một diễn biến liên quan, dự luật 2.200 tỷ USD của đảng Dân chủ đã nhận được phản ứng tích cực của ngành hàng không với hy vọng có một gói cứu trợ thứ hai trước khi hàng chục nghìn nhân công sẽ bị sa thải từ ngày 1/10 tới. Chủ tịch phụ trách mảng quốc tế của Flight Attendants-CWA, bà Sara Nelson, đánh giá dự luật trên là "một động thái quan trọng và nghiêm túc trong các cuộc đàm phán, tạo điều kiện đạt thỏa thuận về một dự luật cứu trợ đầy đủ nhằm cứu việc làm".
Về phần mình, trả lời phỏng vấn báo giới, Giám đốc điều hành tập đoàn thương mại Các hãng hàng không Mỹ, ông Nicholas Calio cho biết: "Tôi hy vọng dù không quá lạc quan". Theo các nguồn thạo tin ở Washington, rất ít khả năng dự luật trên được thông qua trước ngày 1/10, thời điểm một gói 25 tỷ USD ban đầu để bảo vệ việc làm trong ngành hàng không trong tháng 9 sẽ hết hạn.