Ngày 14/6, giới chức Hy Lạp cho biết một chiếc thuyền đánh cá chở người tị nạn đã bị lật ở ngoài khơi bờ biển Peloponnese, vùng tây nam Hy Lạp, khiến ít nhất 32 người thiệt mạng.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ đắm tàu, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã triển khai một chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ lớn. Hiện đã có 104 người đã được giải cứu, trong đó có một số người được đưa vào cấp cứu tại các bệnh viên địa phương do hạ thân nhiệt.
Thông báo của cơ quan chức năng cho biết chiến dịch tìm kiếm vẫn đang tiếp diễn và vẫn chưa thể xác định được chính xác số người mất tích.
Sáu tàu bảo vệ bờ biển, một tàu khu trục hải quân, một máy bay vận tải quân sự, một máy bay trực thăng không quân, một số tàu tư nhân và một máy bay không người lái từ cơ quan bảo vệ biên giới Liên minh châu Âu (Frontex) đã tham gia vào cuộc tìm kiếm.
Chiếc thuyền đánh cá trên đang trên đường tới Italy được cho là đã khởi hành từ khu vực Tobruk ở miền đông Libya. Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã phát đi cảnh báo về sự xuất hiện của con tàu này vào ngày 13/6.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 14/6, một chiếc tàu chở 81 người di cư đã được kéo đến một cảng trên bờ biển phía nam đảo Crete của Hy Lạp sau khi nhà chức trách nhận được một cuộc gọi khẩn cấp.
Hàng nghìn người di cư đang tìm cách tới Liên minh châu Âu (EU) thông qua ngả Hy Lạp. Họ thường liều mình chen chúc trên những con thuyền ọp ẹp, quá tải vượt Địa Trung Hải. Khi các hoạt động tuần tra trên biển Aegean được tăng cường, tuyến đường di cư tới các hòn đảo của Hy Lạp trở nên khó khăn hơn, người di cư quay sang lựa chọn vượt sông Evros và đi đường bộ để tới Hy Lạp.
Số người di cư vượt biên qua Địa Trung Hải vào châu Âu không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây. Hồi đầu tháng này, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã giải cứu gần 1.500 người di cư trên những chiếc thuyền gặp nạn ở biển Ionian. Theo báo cáo mới nhất, trong 4 tháng đầu năm, số vụ bắt giữ người di cư dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải đã tăng 28% lên gần 42.200 vụ. Số vụ bắt giữ tại các tuyến đường di cư khác giảm từ 7% đến 47%. Tính từ đầu năm nay, số người di cư qua Trung Địa Trung Hải chiếm hơn một nửa số lượt nhập cảnh bất hợp pháp vào EU. Ngoài ra, các vụ vượt biên trái phép qua Địa Trung Hải trong 4 tháng đầu năm đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2009.
Lượng người di cư được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi thời tiết khu vực Địa Trung Hải trở nên ấm áp hơn trong giai đoạn chuyển giao từ Xuân sang Hè. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thời tiết thuận lợi không phải là lý do duy nhất cho sự gia tăng lượng người di cư vào Italy. Khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, bạo lực và xung đột gia tăng... là những nguyên nhân chính khiến nhiều người dân ở các nước như Libya, Tunisia, Côte d'Ivoire, Guinea, Pakistan... quyết định rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới.