Sân bay duy nhất ở thủ đô Kabul rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Dù mở cửa cho một số chuyến bay nội địa và quốc tế, song sân bay Kabul vẫn cần phải nâng cấp để các hãng hàng không lớn của nước ngoài nối lại dịch vụ đầy đủ.
Trong tuần này, người đứng đầu ngành ngoại giao của Taliban, ông Amir Khan Muttaqi, đã có hai cuộc họp kéo dài với Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdurrahman Al-Thani tại Doha. Tuy nhiên, theo giới chức hai bên, các cuộc đàm phán về hoạt động và tái thiết các sân bay của Afghanistan đã không đạt kết quả cụ thể mong muốn.
Một quan chức của Taliban cho biết hợp đồng tái thiết sân bay Kabul với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhận được hỗ trợ kỹ thuật. Theo quan chức trên, người Afghanistan sẽ bảo vệ sân bay Kabul và quốc gia Tây Nam Á này sẽ không chấp nhận các binh sĩ hoặc chuyên gia nước ngoài có mặt tại đây. Người phát ngôn các vấn đề ngoại giao của Taliban Abdul Qahar Balkhi nêu rõ hai bên xác định cần thảo luận thêm các vấn đề liên quan đến thỏa thuận điều hành sân bay. .
Trong khi đó, một nhà ngoại giao Qatar cho biết phía Taliban đặt ra quá nhiều yêu cầu khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến an ninh tại sân bay Kabul. Một chuyên gia giấu tên theo dõi đàm phán cho biết Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn quản lý sân bay này.
Khôi phục hoàn toàn hoạt động tại sân bay quốc tế Kabul có ý nghĩa quan trọng đối với việc hồi sinh nền kinh tế Afghanistan. Hiện Cơ quan Hàng không dân dụng Afghanistan đang vận hành sân bay này, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Qatar. Một công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) tham gia xử lý các dịch vụ mặt đất tại sân bay này.
Hiện tại, hai hãng hàng không của Afghanistan gồm Kam Air và Ariana Afghanistan đang khai thác các đường bay từ Kabul đi Dubai (UAE), Doha (Qatar), Islamabad (Pakistan) và Tehran (Iran). Hãng hàng không Mahan Air của Iran cũng khai thác các chuyến bay đến Kabul.