Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Akram nhận định các quốc gia thành viên LHQ đang phải đối mặt với 3 thách thức: khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh các cam kết trong từng lĩnh vực cần phải được thực hiện. Di sản của chủ nghĩa thực dân, đô hộ nước ngoài và phân biệt chủng tộc là “một nguyên nhân mang tính hệ thống chủ yếu của sự bất bình đẳng” giữa các quốc gia và trong nội bộ từng nước.
Người đứng đầu ECOSOC đề xuất trong năm tới, cơ quan này nên tập trung vào 3 lĩnh vực: hỗ trợ chống dịch, thúc đẩy SDGs và các mục tiêu chống biến đổi khí hậu; đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để phát triển. Ông lưu ý Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ước tính các nước đang phát triển sẽ cần hơn 2,5 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế sau cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của Thủ tướng Pakistan Imran Khan về một “Sáng kiến giảm nợ toàn cầu”.
Tân chủ tịch ECOSOC cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch khóa 75 Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir. Ông cũng đề cập đến các đề xuất cho các Mục tiêu phát triển bền vững mới cũng như các đề xuất tài chính khác đang được xem xét và cho rằng cam kết của các nước phát triển gây quỹ 100 tỷ USD cho hành động chống biến đổi khí hậu cần phải được thực hiện.
ECOSOC được thành lập vào năm 1945 theo Hiến chương LHQ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế và giám sát hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế quốc tế.