Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại phiên họp. Ảnh: AP |
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi châu Âu nỗ lực hơn nữa giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Theo ông, các nước không nên xây dựng các hàng rào hay các bức tường mà cần phải tìm giải pháp cho căn nguyên gốc rễ - đó là những đất nước đang có xung đột vũ trang và người dân ở đó buộc phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn.
Tổng Thư ký cũng đề nghị các nước tăng cường đóng góp cho các quỹ cứu trợ nhân đạo của LHQ, hiện đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt và ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động nhân đạo của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Theo ông, các quỹ cứu trợ cho Iraq, Nam Sudan và Yemen hiện mới chỉ nhận được 50% số tiền cần thiết, trong khi quỹ cứu trợ cho Syria mới chỉ được giải ngân 30% số tiền mà các nước đã cam kết.
Châu Âu hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hơn 4 triệu người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó có hàng trăm nghìn người tìm đường tới châu Âu. Dự kiến, ngày 30/9 tới, Tổng Thư ký Ban Ki-moon sẽ chủ trì cuộc họp về vấn đề này nhằm đưa ra được một phản ứng toàn cầu trong bối cảnh châu Âu chia rẽ nghiêm trọng về cách thức giải quyết khủng hoảng.
Theo thông lệ, khóa họp thường kỳ của ĐHĐ LHQ thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bắt đầu mỗi kỳ họp, ĐHĐ sẽ có phiên thảo luận chung, theo đó các lãnh đạo chính phủ và nhà nước có bài phát biểu thể hiện quan điểm về những vấn đề quốc tế đang được quan tâm.
Dự kiến, phiên thảo luận chung này, với sự tham dự của 140 nguyên thủ quốc gia và chính phủ sẽ kéo dài từ ngày 28/9 đến 3/10.
ĐHĐ LHQ gồm 193 thành viên, là một trong 5 cơ quan chính của Liên hợp quốc, có chức năng của một diễn đàn đa phương duy nhất để các thành viên đề đạt sáng kiến trong những vấn đề quốc tế được quan tâm.