Từ tháng 3/2020, ASEAN đã có những hành động nhanh chóng và dứt khoát nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch. Việc thông qua Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và Kế hoạch triển khai tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020 đã thể hiện quyết tâm của ASEAN trong việc cùng nhau tái thiết tốt hơn. ACRF giải quyết nhu cầu cấp thiết về một kế hoạch phục hồi khu vực với việc tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan và cải thiện cuộc sống của người dân. Tới nay, ASEAN đã đạt được những tiến bộ trong việc triển khai ACRF, tập trung vào việc tăng cường hệ thống y tế, tăng cường an ninh con người, khai thác tối đa tiềm năng thị trường nội khối ASEAN và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện, cũng như tiến tới một tương lai bền vững và thích ứng tốt hơn.
ASEAN cũng sẽ sớm đưa vào hoạt động Trung tâm ASEAN ứng phó Tình huống y tế khẩn cấp và Bệnh dịch mới nổi (ACPHEED) và Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, qua đó giúp tăng cường năng lực của khu vực nhằm chuẩn bị, ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về y tế và sức khỏe cộng đồng cũng như các bệnh mới nổi.
Ngoài ra, Thỏa thuận khung về Hành lang Du lịch ASEAN (ATCAF) và Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 đã được đưa ra nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi trong khu vực. ATCAF sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và các chuyến công tác thiết yếu giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong bối cảnh các nước đang hướng tới việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Trong khi đó, Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 sẽ được sử dụng để mua vaccine cung cấp cho người dân ASEAN.
Theo Tổng thư ký Dato Lim, một minh chứng quan trọng cho cam kết tái thiết tốt hơn của ASEAN là việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm ngoái. Thương mại mở giữa các quốc gia là trọng tâm trong các nỗ lực của ASEAN hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và một khi được phê chuẩn, RCEP sẽ là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trên thế giới. Nhằm đảm bảo triển khai RCEP một cách toàn diện và hiệu quả, Tổng thư ký ASEAN đã kêu gọi các Nghị viện thành viên AIPA hoàn tất quá trình phê chuẩn thỏa thuận này trong thời gian sớm nhất.
Tổng thư ký ASEAN cho rằng chủ đề của Đại hội đồng AIPA-42 “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025” rất phù hợp trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR). Tốc độ áp dụng công nghệ kỹ thuật số và sự phổ biến của các giải pháp kỹ thuật số trong khu vực đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch. Xu hướng tích cực này được cho sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn “bình thường mới”. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi này diễn ra toàn diện, ASEAN cần tăng cường các nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số về cơ sở hạ tầng, quy định và kỹ năng, đồng thời ưu tiên đảm bảo khả năng tiếp cận, chi trả và chất lượng kết nối kỹ thuật số cũng như công nghệ.
Tổng thư ký Dato Lim cho biết ASEAN hiện đang soạn thảo Lộ trình Bandar Seri Begawan về Chuyển đổi và phục hồi kỹ thuật số nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra trong khu vực. Một trong những giải pháp là tăng cường năng lực và cơ chế điều phối chuyển đổi kỹ thuật số, khả năng thanh toán xuyên biên giới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chương trình hội nhập kỹ thuật số của ASEAN cũng sẽ được củng cố hơn nữa thông qua Chiến lược hợp nhất về 4IR.
Cuối cùng, Tổng thư ký Dato Lim đánh giá rằng AIPA đã có nhiều đóng góp cho hợp tác và phát triển trên 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Các nhà lập pháp từ 10 quốc gia thành viên đã đề xuất đưa các vấn đề ưu tiên vào các kế hoạch, thỏa thuận và sáng kiến, đồng thời cùng nhau hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm. AIPA đang đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển các cam kết khu vực thành luật pháp quốc gia, xúc tiến phê chuẩn các hiệp định của ASEAN, điều chỉnh các điều luật trong nước với các ưu tiên của khu vực, cũng như giám sát việc thực thi luật pháp trong toàn khu vực.