Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời Đại giáo chủ Ali Khamenei nêu rõ: “Các lệnh trừng phạt tàn bạo của Mỹ là nhằm đánh sập nền kinh tế của chúng tôi. Mục đích của họ là hạn chế ảnh hưởng của chúng tôi ở khu vực này và ngăn chặn các năng lực hạt nhân và tên lửa của Iran”.
Ông tuyên bố các đòn trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ khiến Iran mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh “các năng lực quốc gia và việc giảm phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu dầu mỏ sẽ giúp Iran đương đầu với sức ép của Mỹ”.
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đồng thời bác khả năng đàm phán với Mỹ về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran. Ông khẳng định giấc mơ của Washington đạt được các mục đích thông qua trừng phạt và việc gây sức ép tối đa với Iran sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/7 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng quy mô các lệnh trừng phạt Iran liên quan đến kim loại, nhằm vào 22 vật liệu đặc biệt, trong đó có nhiều dạng vật liệu bằng thép, nhôm..., mà ông cho là đã được sử dụng trong các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo và quân sự. Động thái này được cho là nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và quân sự của Tehran.
Các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao sẽ cho phép Washington đưa vào danh sách đen bất cứ ai cố tình chuyển từ hoặc tới Iran các vật liệu, như than chì, hoặc các kim loại thô hoặc đã qua sơ luyện. Ngoại trưởng Mỹ lập luận rằng các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và quân sự của Iran "đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế".
Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ sẽ tìm cách để duy trì các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Iran nếu lệnh cấm vận vũ khí hiện nay hết hiệu lực. Ông cho biết thêm: “Trong trường hợp nghị quyết trên không được thông qua, chúng tôi sẽ thực hiện hành động cần thiết nhằm đảm bảo rằng lệnh cấm vận vũ khí này sẽ không kết thúc”.
Quan hệ Mỹ-Iran xấu đi nhanh chóng kể từ tháng 5/2018 sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).
Mỹ sau đó đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, chủ yếu nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này nhằm buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Mỹ muốn ký kết một thỏa thuận rộng hơn để siết chặt hạn chế các hoạt động hạt nhân, các chương trình tên lửa cũng như tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Động thái của Mỹ đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào nguy cơ sụp đổ dù các nước châu Âu luôn khẳng định sẽ tìm cách cứu vãn. Trong bài phát biểu trên, ông Khamenei cũng chỉ trích các nước Liên minh châu Âu "hứa suông" khiến nền kinh tế Iran chịu thêm nhiều sức ép.