Bản đồ thể hiện vùng đại dương tối đi (đỏ) và sáng lên (xanh). Ảnh: The Guardian/Đại học Plymouth
Theo tờ The Guardian ngày 27/5, dữ liệu vệ tinh và mô hình tính toán cho thấy từ năm 2003 đến 2022, khoảng 21% diện tích đại dương toàn cầu đã tối đi - tức là ánh sáng xuyên xuống mặt nước giảm đáng kể. Điều này làm thu hẹp phạm vi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển, đặc biệt là ở lớp nước bề mặt - nơi sinh sống của khoảng 90% sinh vật biển hiện nay.
Nghiên cứu do Tiến sĩ Thomas Davies, nhà bảo tồn biển tại Đại học Plymouth (Anh), dẫn đầu cho thấy vùng nước bị ảnh hưởng tương đương với diện tích cộng gộp của châu Âu, châu Phi, Trung Quốc và Bắc Mỹ. Ông Davies cho biết tình trạng này là lý do thực sự đáng lo ngại, không chỉ đe dọa đến các loài sinh vật biển mà còn ảnh hưởng tới nghề cá và quá trình chuyển hóa carbon, chất dinh dưỡng trong đại dương.
Theo các nhà khoa học, phần lớn sinh vật biển phụ thuộc vào vùng nước có đủ ánh sáng mặt trời - thường không vượt quá độ sâu 200 mét - để tồn tại và phát triển. Đây là khu vực mà các loài thực vật phù du thực hiện quang hợp, đóng vai trò nền tảng cho hầu hết các chuỗi thức ăn biển và sản xuất gần một nửa lượng oxy toàn cầu.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Global Change Biology cho thấy ở 9% diện tích đại dương, vùng nước sáng đã bị thu hẹp hơn 50 mét; trong khi ở 2,6% đại dương, độ sâu vùng sáng giảm hơn 100 mét trong 20 năm qua. Nguyên nhân được xác định một phần do các yếu tố tự nhiên như nước giàu dinh dưỡng trồi lên gần bờ và dòng chảy cuốn theo phù sa, trầm tích. Tuy nhiên, ở khu vực ngoài khơi, tình trạng tối đi được cho là có liên hệ với biến đổi khí hậu và thay đổi trong lưu thông dòng hải lưu.
Ông Davies cho biết: "Những khu vực ghi nhận thay đổi đáng kể về nhiệt độ và lưu thông dòng hải lưu - như Nam Đại Dương hoặc vùng lân cận Dòng hải lưu Gulf Stream - đang chứng kiến hiện tượng nước biển tối dần rõ rệt".
Dù phần lớn đại dương có xu hướng tối dần, nhưng nghiên cứu cũng phát hiện khoảng 10% diện tích, tương đương 37 triệu km², lại sáng lên, điển hình như khu vực ngoài khơi bờ biển phía tây Ireland. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh xu hướng tổng thể vẫn là tiêu cực và cần được theo dõi chặt chẽ.
Giáo sư Oliver Zielinski, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Baltic Leibniz (Đức), nhận định hiện tượng tối đi của đại dương là một xu hướng đáng lo ngại, có thể làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, thay đổi phân bố sinh vật và suy yếu vai trò điều hòa khí hậu. Ông cảnh báo rằng các vùng biển ven bờ - khu vực chịu tác động trực tiếp từ hoạt động của con người - đặc biệt dễ bị tổn thương và cần được chú trọng bảo vệ nhằm duy trì cân bằng sinh thái và phúc lợi cộng đồng.
“Ánh sáng là yếu tố sống còn đối với sinh vật biển - từ việc săn mồi, sinh sản cho đến định hướng di chuyển. Khi đại dương ngày càng tối đi, các loài buộc phải di chuyển lên tầng nước nông hơn, làm gia tăng cạnh tranh sinh tồn và thay đổi toàn bộ cấu trúc sinh thái biển”, Tiến sĩ Davies kết luận.