Đại dịch COVID-19 có thể trở thành ‘bản án tử hình’ đối với nhiều tù nhân

Không gian giam giữ chật chội, thiếu nguồn tài trợ cùng với những hạn chế trong việc tiếp cận hỗ trợ y tế khiến các tù nhân trên thế giới có nguy cơ cao biến thành “những miếng mồi” của virus SARS-CoV-2, các chuyên gia tư pháp hình sự cảnh báo.

Chú thích ảnh
Các tù nhân chen chúc trong một nhà tù chật chội tại Manila (Philippines), nơi có rất nhiều quản giáo và tù nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Ảnh: Getty Images

Trang The Guardian (Anh) dẫn nguồn báo cáo nghiên cứu của Tổ chức cải cách Tư pháp hình sự Quốc tế (PRI) cho biết các nhà tù trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức do số lượng tù nhân quá tải, với kỷ lục 11 triệu người trên toàn cầu. Tổ chức cũng cho biết nhà tù ở 102 quốc gia đang hoạt động vượt quá sức chứa hơn 110% .

Giãn cách xã hội và kiểm soát lây bệnh cá nhân là những biện pháp gần như không thể thực hiện trong môi trường quá đông đúc. Tại những nơi này, điều kiện vật chất và vệ sinh không đảm bảo có khả năng làm gia tăng tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2.

“Hệ thống nhà tù trên toàn cầu đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng trước đại dịch COVID-19. Hiện tại, các cơ sở giam giữ trên khắp thế giới đang trở thành ‘những quả bom hẹn giờ’ có nguy cơ bị tàn phá bởi virus SARS-CoV-2 bất cứ lúc nào do quá đông đúc, thiếu thốn hệ thống chăm sóc y tế cơ bản, việc tiếp cận với nước sạch bị hạn chế và điều kiện sống thiếu nhân đạo”, ông Florian Irminger, Giám đốc điều hành PRI, cho biết.

Tại Bangladesh, có 10 bác sĩ phục vụ cho 68 nhà tù. Trong khi Ghana chỉ có 2 bác sĩ chăm sóc y tế cho 46 nhà tù với 15.000 tù nhân.

Báo cáo cũng cho biết tình trạng quá tải và điều kiện giam giữ thiếu nhân đạo là những yếu tố chính khiến sức khỏe tù nhân trở nên tồi tệ hơn. Vào tháng 10/2019, đã có 45 trường hợp tù nhân tử vong tại nhà tù Bukavu (Cộng hòa Dân chủ Congo) do suy dinh dưỡng và không được chăm sóc y tế cơ bản.

Chú thích ảnh
Các phòng giam tại nhà tù thành phố Batam, Indonesia, được phun khử trùng để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ảnh: Getty Images

Sự bùng phát virus SARS-CoV-2 và các ca tử vong liên quan đến dịch bệnh này cũng đã được ghi nhận tại các nhà tù ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Iran, Kenya, Ấn Độ, Bỉ, Tây Ban Nha và Anh.

Trên khắp vùng Hạ Sahara - châu Phi, nhiều lo ngại cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ gây ra tác động nghiêm trọng cho những tù nhân ở khu vực này, nơi dịch bệnh vẫn chưa bùng phát mạnh mẽ.

“Thật khủng khiếp khi nghĩ rằng COVID-19 sẽ tác động như thế nào đến các nhà tù ở khu vực này, khi một số cơ sở giam giữ quá đông đúc với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và điều kiện vệ sinh cơ bản vô cùng thiếu thốn. Trong một số trường hợp, xã hội dân sự đã phải cung cấp đồ tiếp tế cho các tù nhân như xà phòng, nước uống và thuốc thang để đáp ứng nhu cầu sức khoẻ cơ bản của họ”, ông Doreen Namyalo Kyazze, Quản lý chương trình PRI tại châu Phi cho biết. 

Một nữ tù nhân tại trại giam Sierra Leone cho biết họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vì không có vòi và giếng đã cạn, họ phải kiềm chế sử dụng lượng nước giới hạn mà họ có. Một nhân viên trại giam tại cùng cơ sở cũng tiết lộ có đến 64 tù nhân sống trong một không gian chỉ được thiết kế cho 18 người.

“Quá tải là một thách thức lớn đối với việc đảm bảo vệ sinh và cung cấp nước cho tù nhân. Chúng tôi đã phải sử dụng văn phòng của mình làm nơi ở cho họ. Thậm chí, còn phải chia giường ngủ với các tù nhân vì không có đủ không gian sinh hoạt”, nhân viên trại giam cho biết.

Bà Olivia Rope, Gám đốc Chính sách của PRI, cho rằng chỉ hành động quyết liệt và hợp tác quốc tế mới có thể giảm thiểu thiệt hại của COVID-19 tại các nhà tù, nơi có tỷ lệ tử vong cao hơn 50% so với thế giới bên ngoài. Hiện nay, các nhà tù ở hơn 100 quốc gia đang hoạt động vượt quá tỷ lệ sức chứa của họ và 20 quốc gia có số lượng tù nhân cao gấp đôi khả năng giới hạn. 

“Nguy cơ mắc COVID-19 ngày càng gia tăng khi tù nhân bị giam giữ và bạo lực trong các nhà tù ngày càng gia tăng, có khả năng họ sẽ sử dụng bạo lực để phản ứng với khủng hoảng. Virus SARS-CoV-2 rất dễ dàng lây lan trong các nhà tù này và một số nơi đã chứng kiến điều đó. Nó như một bán án tử hình đối với các tù nhân”, bà nói.

Chú thích ảnh
Tù nhân trong trại giam Foggia (Italy) leo lên hàng rào, sử dụng bạo lực phản đối lệnh hạn chế quyền thăm viếng trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19. Ảnh: EPA 

Tính đến ngày 24/4, Pakistan có trên 11.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, 98 trường hợp được ghi nhận mắc bệnh trong các nhà tù, theo bà Sarah Belal, thành viên của Dự án Tư pháp Pakistan. Cả hai số liệu này đều được cho là vượt xa dự tính vì thiếu biện pháp xét nghiệm rộng rãi. 

“Sức chứa của các nhà tù ở Pakistan là 63.000 người, nhưng chúng tôi có đến 74.118 tù nhân. Không còn cách nào để quản lý số lượng người trong các nhà tù của mình khi chúng tôi cũng không có tài nguyên”, bà Belal nói.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Ấn Độ, chỉ riêng ở bang Punjab, có đến 108 cơ sở giam giữ thiếu nhân viên chăm sóc y tế, mỗi nhân viên sẽ phục vụ cho 1 nhà tù. 10% các nhà tù ở bang này không được trang bị xe cứu thương trong khi tỷ lệ tù nhân mắc bệnh lao và viêm gan rất lớn.

Chú thích ảnh
Tù nhân tại trại giam La Modelo ở Bogotá, Colombia, lo sợ nhiễm virus vì quá ít biện pháp đảm bảo sức khoẻ được thực hiện với họ. Ảnh: AP

Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền, ông Ilze Brand Kehris, đã kêu gọi các quốc gia giảm số lượng tù nhân trong các nhà tù của họ, bao gồm việc trả tự do cho những người dễ bị nhiễm virus hoặc những kẻ phạm tội có nguy cơ thấp.

Các biện pháp này đã được thực hiện ở một số quốc gia bùng phát dịch bệnh. Tại Pháp, các tòa án đã được yêu cầu hoãn các bản án ngắn hạn, trong khi các nước như Iran và Kenya đã chọn giải pháp cho phép tù nhân mãn hạn sớm.

Tại Anh, Bộ Tư pháp đầu tuần này đã xác nhận 15 tù nhân tử vong vì COVID-19. Chính phủ Anh đã đình chỉ biện pháp trả tự do tạm thời cho các tù nhân sau khi thả nhầm 6 tội phạm, trong nỗ lực ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Kế hoạch trả tự do 4.000 tù nhân - những người được đánh giá có nguy cơ nhiễm bệnh trong vòng 2 tháng sau ra tù - vẫn sẽ tiếp tục được triển khai theo kế hoạch trong tuần này.

Hải Vân/Báo Tin tức
Vì sao Hy Lạp, với dân số già, kinh tế yếu, lại 'thoát' được COVID-19
Vì sao Hy Lạp, với dân số già, kinh tế yếu, lại 'thoát' được COVID-19

Với dân số già thứ hai ở châu Âu và một nền kinh tế mong manh, Hy Lạp đến lúc này cơ bản kiểm soát không để dịch COVID-19 tấn công ồ ạt như tại các nước láng giềng của họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN