Cụ thể, trả lời phỏng vấn trực tuyến với Kyodo sáng 4/9, Đặc phái viên Yusof cho biết ông đã đề xuất giai đoạn tạm dừng xung đột cho đến cuối năm nay trong cuộc họp trực tuyến ngày 31/8 với Bộ trưởng Ngoại giao Wunna Maung Lwin được chính quyền quân sự Myanamar bổ nhiệm.
Theo ông Yusof, đề xuất trên đã được chính quyền quân sự Myanmar chấp thuận. Ông Yusof nêu rõ đề xuất trên nhằm đảm bảo an toàn (và) an ninh cho các nhân viên nhân đạo khi đi phân phát viện trợ cho người dân. Đặc phái viên Yusof cũng cho biết đã gián tiếp thông báo đề xuất này đến các bên phản đối chính quyền quân sự tại Myanmar, đồng thời hy vọng các bên đã nhận được thông điệp của ông.
ASEAN chuẩn bị gửi hàng viện trợ tới Myanamar trong bối cảnh quốc gia này đang cùng lúc đương đầu với nhiều thách thức từ bất ổn chính trị, khó khăn về kinh tế và cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19. Chuyến hàng cứu trợ nhân đạo này do Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo của ASEAN, có trụ sở tại Indonesia, phụ trách triển khai.
Ông Yusof cho biết đã liên hệ và gửi thông báo tới tất cả các bên liên quan tại Myanmar để yêu cầu dừng mọi hoạt động bạo lực và kiềm chế tối đa để tạo thuận lợi cho hoạt động cứu trợ. Đợt cứu trợ này bao gồm những thiết bị y tế như bình oxy, đồ bảo hộ vốn đang rất cần thiết để giúp đỡ người dân Myanmar trong đại dịch COVID-19. Theo ông Erywan, bước tiếp theo, ASEAN sẽ tìm cách hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 cho Myanmar.
Ông Erywan được bổ nhiệm làm đặc phái viên ASEAN về Myanmar vào đầu tháng 8 vừa qua và đang lên kế hoạch tới thăm quốc gia Đông Nam Á này trên cương vị mới mặc dù chưa có thời gian cụ thể. Ông Erywan cho biết các cuộc tham vấn của ông với quân đội và các phe phái khác tại Myanmar đang “tiến triển khá tốt”. Ông cũng đang tìm cách thành lập một nhóm cố vấn để hỗ trợ vai trò đặc phái viên của ông.