Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy tại Paris, Pháp, ngày 20/11/2016. Ảnh: THX/TTXVN |
Trước đó, sau khi công bố các tội danh sơ bộ nhằm vào ông Sarkozy, các thẩm phán đã ra phán quyết cấm nhà cựu lãnh đạo này đến một số nước nhất định, trong đó có Libya, cũng như tiếp xúc với 9 nhân vật khác có liên quan đến cuộc điều tra, trong đó có hai trợ lý thân cận của ông và các cựu Bộ trưởng Claude Gueant và Brice Hortefeux.
Luật sư Thierry Herzog tuyên bố sẽ kháng cáo, đồng thời cho rằng các biện pháp hạn chế mà các thẩm phán đưa ra nhằm hạ thấp hình ảnh thân chủ của ông.
Trong các cuộc trả lời phỏng vấn với giới truyền thông trước đó, cựu Tổng thống Sarkozy tuyên bố sẽ nỗ lực đến cùng để chứng minh mình vô tội, song thừa nhận sự nghiệp chính trị của ông "đã chấm dứt". Vị cựu tổng thống 63 tuổi này cũng cho biết ông đã "sống trong địa ngục" khi phải hứng chịu những cáo buộc "vô căn cứ" trên.
Kể từ năm 2013, các nhà điều tra đã xem xét các cáo buộc do một số nhân vật trong chính quyền của cố Tổng thống Libya M. Kadhafi rằng ông Sarkozy đã nhận tiền tài trợ từ cố lãnh đạo Libya trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2007. Các cáo buộc cho biết ông Sarkozy đã nhận tài trợ từ ông Kadhafi vàsử dụng sai mục đích các khoản công quỹ của Libya và tham nhũng gián tiếp. Bên cạnh đó, ông cũng gặp thất bại trong vụ kiện trang web điều tra Mediapart vì cho công bố một tài liệu được cho là do người đứng đầu cơ quan tình báo Libya ký, theo đó cho thấy cựu Tổng thống Kadhafi đã đồng ý tài trợ cho ông Sarkozy tới 50 triệu euro (khoảng 62 triệu USD). Ngoài ra, doanh nhân Ziad Takieddine cũng cáo buộc đã chuyển 3 chiếc vali chứa tổng cộng 5 triệu euro (6,15 triệu USD) cho ông Sarkozy và Chánh văn phòng của vị cưu Tổng thống trong năm 2006 và 2007.
Dù vị cựu Tổng thống Pháp đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan, song các thẩm phán đã quyết định rằng họ có đủ bằng chứng để buộc tội ông Sarkozy sau 5 năm tiến hành điều tra và 2 năm thẩm vấn tại Sở cảnh sát Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris. Đây là các cáo buộc nghiêm trọng nhất trong vô vàn cuộc điều tra nhằm vào ông kể từ khi ông rời nhiệm sở năm 2012. Ông Sarkozy sẽ có 6 tháng để chống lại các tội danh bị cáo buộc và các thẩm phán sẽ đưa ra quyết định về việc có đưa ông ra xét xử hay không.