Cựu Tổng Giám đốc IMF Lagarde: Hòa bình là chìa khóa tại châu Phi

Cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 20/9 nhận định châu Phi đã có tiến bộ lớn và trong một số lĩnh vực đang tạo ra điển hình về chính sách phát triển, song nếu các cuộc xung đột không chấm dứt, khu vực này không thể phát huy hết tiềm năng của mình. bà Lagarde nhấn mạnh: "Hòa bình là điều kiện tiên quyết".

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Lagarder đưa ra ý kiến trên khi trả lời phỏng vấn hãng tin AFP về di sản bà để lại sau 8 năm điều hành IMF. Bà Lagarde chia sẻ rằng mọi người không nói nhiều về xung đột dai dẳng tại châu Phi. Bà nhấn mạnh xung đột đã đẩy những người tị nạn ra khỏi đất nước của họ để vào các trại tị nạn ở biên giới, và điều này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống ở các nước đón nhận người tị nạn.

Theo số liệu của Cao ủy LHQ về người tị nạn, riêng tại Nam Sudan, CHDC Congo đã có khoảng 3 triệu người đã phải sơ tán vì xung đột. Họ trốn chạy sang các nước trong và ngoài khu vực. Bà Lagarde khẳng định những người tị nạn này "không vui vẻ gì khi phải ra đi". Theo cựu Tổng Giám đốc IMF, các cuộc xung đột là "trở ngại lớn đối với phát triển", không nước nào đã hoặc sẽ có thể phát triển kinh tế nếu không có hòa bình.

Tuy nhiên, bà Lagarde bày tỏ lạc quan về những tiến bộ gần đây tại châu Phi, nhất là các chính sách kinh tế cần cho phát triển. Bà cho rằng "vai trò hầu bao" của IMF là trọng tâm, nhưng các nỗ lực nhằm huy động "sức mạnh trí não" để thúc đẩy phát triển trong khu vực rất quan trọng, trong đó có việc sử dụng 6 trung tâm đào tạo và kỹ thuật tại châu Phi để xây dựng năng lực tại địa phương.

Tỷ lệ tăng trưởng tại khu vực châu Phi Nam Sahara cao hơn các nền kinh tế phát triển trên thế giới, trong đó nhiều nước dự kiến đạt 4,5% hoặc cao hơn trong năm nay. Những nền kinh tế lớn như Nigeria, Nam Phi chậm chạp hơn, nhưng cũng đang cải thiện dần, trong khi các nền kinh tế khác tăng trưởng tốt như Senegal đạt 6,9%, Côte d'Ivoire 7,5% và Ghana 8,8%.

IMF dự đoán tăng trưởng khu vực này năm nay đạt 3,4% và có thể đạt mức cao hơn vào năm sau. Tuy nhiên, tăng trưởng trung bình những năm gần đây không đủ để tạo ra 20 triệu việc làm cần thiết hằng năm cho giới trẻ mới tham gia lực lượng lao động. Dự kiến đến năm 2030, trung bình cứ 10 người sống trong nghèo đói cùng cực trên thế giới sẽ có gần 9 người ở châu Phi, trong khi dân số châu lục này sẽ tăng lên mức 1,7 tỷ người, so với con số 1,3 tỷ hiện nay.

Bà Lagarde hy vọng khu vực này có thể chứng kiến "những thay đổi lớn hơn", song nhấn mạnh điều đó đòi hỏi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển phải diễn ra với tốc độ đủ nhanh.

Bà Lagarde là lãnh đạo nữ đầu tiên của IMF và dự kiến sẽ trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối năm nay.

Bích Liên (TTXVN)
Bóng ma thương chiến Mỹ-Trung theo chân Huawei đến châu Phi
Bóng ma thương chiến Mỹ-Trung theo chân Huawei đến châu Phi

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thậm chí đã theo chân Huawei sang thị trường châu Phi và gây nhiều tác động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN