Ngày 16/8, hãng tin AFP dẫn lời một quan chức tại cảng Douala cho biết trong số 17 thuyền viên bị bắt cóc có 9 người Trung Quốc và 8 người Ukraine. Các vụ tấn công xảy một ngày trước đó và giới chức an ninh không loại trừ khả năng cướp biển Nigeria là thủ phạm.
Vịnh Guinea có đường bờ biển chạy dài theo hình vòng cung từ Liberia tới Gabon. Đây là cung đường biển mà cướp biển hoành hành, cướp các tàu chở dầu cũng như đánh bắt cá trái phép, buôn người và ma túy.
Trong khi đó, tại Malaysia, ông Noel Choong - người đứng đầu Cơ quan Hàng hải quốc tế (IMB) xác nhận có tổng cộng 17 thuyền viên trên 2 tàu bị bắt cóc khi hai tàu này thả neo gần cảng Doula. Tàu thứ nhất thuộc sở hữu của Đức mang cờ Antigua và Barbuda và có 8 trong tổng số 12 thuyền viên là người châu Á và châu Âu bị bắt đi. Tàu thứ 2 mang cờ Liberia có chủ sở hữu Hy Lạp có 9 trong tổng số 21 thuyền viên bị bắt đi. Hiện IMB đã cảnh báo tất cả các tàu đi qua cảng Douala đều hết sức cảnh giác.
Theo số liệu thống kê của IMB, trong nửa đầu năm nay đã có 62 thuyền viên bị bắt cóc hoặc giữ làm con tin khi tàu của họ đi qua Vịnh Guinea. Địa phương này chiếm tới 73% số vụ bắt cóc và 92% các vụ bắt giữ con tin trên các vùng biển thế giới. Đây là một thách thức lớn của 17 nước vùng Vịnh Guinea và các vùng lân cận mặc dù trong nhiều năm qua, các nước đã nỗ lực nâng cao năng lực đảm bảo an ninh an toàn hàng hải.