Gần đây, với sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, Trung Quốc đang có nhiều hoạt động đối ngoại để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Một trong những hướng đi đối ngoại của Trung Quốc là cố gắng bám đuổi và cạnh tranh trực tiếp với Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh.
Trung Quốc tìm cách “qua mặt” Mỹ
Chỉ trong nửa đầu của năm 2013, khu vực vốn được coi là sân sau của Mỹ này được chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng ra mặt của hai “ông lớn” Mỹ và Trung Quốc với những chuyến viếng thăm gần như là liên tiếp của các lãnh đạo cấp cao hai nước.
Mỏ Toromocho tại Morococha (Pêru) nơi công ty Trung Quốc Chinalco đã ký hợp đồng khai thác. Ảnh Internet |
Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm Mêhicô và Côxta Rica, trong khi Phó Tổng thống Joe Biden đã thăm Côlômbia, Braxin, Triniđát và Tôbagô. Ngay sau các chuyến thăm trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thăm Mêhicô và Côxta Rica để thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Trung Quốc bắt đầu tích cực can dự vào tình hình địa chính trị ở Mỹ Latinh từ năm 2009. Chinalco, công ty khai mỏ lớn nhất Trung Quốc, đã ký một hợp đồng trị giá 2,2 tỷ USD với Pêru để khai thác mỏ Toromocho, và xây dựng một cầu tàu với số tiền lên tới 70 triệu USD tại cảng Callao. Cũng trong năm này, công ty chế tạo điện thoại Trung Quốc ZTE đã đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất loại điện thoại di động giá rẻ nhất thế giới tại Vênêxuêla cho các gia đình có thu nhập thấp với giá thành 6,99 USD/chiếc. Trung Quốc cũng tiến hành các dự án xây dựng đường sắt tại Áchentina và Vênêxuêla. Trong niên vụ 2011-2012, Trung Quốc đã mua của Áchentina 58 triệu tấn đậu tương. Trung Quốc cũng mở rộng làm ăn với Braxin, với việc mua công ty khai mỏ Companhia Brasileira de Metalurgia e Mineracao, và cho công ty dầu mỏ Petrobras vay 10 tỷ USD để đổi lấy việc được mua hàng trăm nghìn thùng dầu/ngày.
Với “ví tiền” dầy cộp, Trung Quốc cạnh tranh khá dễ dàng với Mỹ vào thời điểm hiện nay, khi mà Oasinhtơn đang phải hạn chế chi tiêu ngân sách. Xuất khẩu của các nước khu vực Mỹ Latinh sang Trung Quốc đã tăng gấp 20 lần kể từ năm 2000 lên tới 90 tỷ USD. Khác với Mỹ hoặc các nhà đầu tư tư nhân không dám mạo hiểm, Trung Quốc cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro để cho các nước như Vênêxuêla vay tiền.
Mỹ đổi hướng tiếp cận
Với những biểu hiện trên, có nhiều ý kiến cho rằng sức mạnh ảnh hưởng của Mỹ tại Mỹ Latinh đang suy giảm, và rằng khu vực này không còn là "sân sau" của Mỹ. Tuy nhiên, bản chất thực sự của ảnh hưởng của Mỹ tại Mỹ Latinh cũng như ở các nơi khác liệu thực sự có sa sút?
Đúng là sự chú ý của Mỹ đối với Mỹ Latinh đã suy giảm trong những năm gần đây, do cựu Tổng thống George W. Bush chú ý hơn đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và Tổng thống Barack Obama dường như cũng ít để ý đến khu vực này, đặc biệt là trong nhiệm kỳ đầu.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu coi việc Mỹ Latinh mở rộng các mối quan hệ với Trung Quốc là dấu hiệu vai trò chi phối của Mỹ tại đây đã kết thúc. Mỹ sẽ không để mất khu vực mà nước này luôn mặc định là "sân sau" của mình. Hiện giờ, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh. Mới đây, nước này đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Côlômbia và Panama, duy trì các FTA khác với Pêru, Chilê và Mêhicô. Một số quốc gia Trung Mỹ và vùng Caribê đang phụ thuộc vào sự hợp tác quân sự với Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy.
Không giống như kỷ nguyên trước, ảnh hưởng của Mỹ hiện giờ không còn được xác định bởi khả năng "cài đặt và lật đổ" các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh, nhất là trong bối cảnh trong hơn 2 thập kỷ gần đây, Mỹ Latinh đã có những nền dân chủ ổn định. Sự quản lý kinh tế có trách nhiệm, các chương trình xóa đói giảm nghèo, cải cách cơ cấu và mở cửa hơn đối với đầu tư nước ngoài đã tạo ra nhiều năm tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp. Kết quả là Mỹ Latinh đã chống chọi được sự tàn phá của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Mỹ khuyến khích những thay đổi này, bởi họ được lợi lớn từ đó. Hơn 40% lượng hàng xuất khẩu của Mỹ hiện được đưa sang Mêhicô, Trung và Nam Mỹ, những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Mêhicô hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Mỹ đã tăng 94% trong 6 năm qua; nhập khẩu từ khu vực này tăng 87%. Thêm vào đó, Mỹ vẫn tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ Latinh. Các lợi ích của Mỹ rõ ràng cũng đang được bảo vệ nhờ có các nước láng giềng dân chủ, ổn định và ngày càng phồn vinh.
Thực tế mới này đang yêu cầu một kiểu hoạt động ngoại giao khác: Công nhận lợi ích đa dạng của Mỹ Latinh, lấy quan hệ thương mại làm đòn bẩy. Thời đại của việc sử dụng sức mạnh quân sự và hoạt động chính trị lật đổ nhằm đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ tại Mỹ Latinh và các khu vực khác trên thế giới đã qua. Mỹ tận dụng lợi thế là một cường quốc, kết hợp sức mạnh kinh tế và một nền văn hóa phổ biến để vươn ra toàn cầu. Mỹ hiện có lợi thế hơn tất cả các cường quốc khác trong lĩnh vực này, nhất là khi áp dụng tại Mỹ Latinh.
Độc lập là vinh quang
Tuy nhiên, cả hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ đang phải đối diện với một Mỹ Latinh ngày càng tự tin và đoàn kết. Các nước khu vực đang tìm cách tự giải quyết các vấn đề của chính mình thông qua các khối như Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC), hay Liên minh Bolivar vì châu Mỹ (ALBA). Braxin, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, cũng đang tìm kiếm một vai trò lớn trong khu vực với các khoản đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, cũng như thực hiện các chương trình xã hội để nâng cao cuộc sống của tầng lớp trung lưu.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động ngoại giao và thương mại làm đòn bẩy, nhưng Mỹ Latinh đang mong muốn được xem là một đối tác kinh tế-xã hội, chứ không phải một cấp dưới. Ví dụ như Liên minh Thái Bình Dương, bao gồm Côlômbia, Pêru, Chilê, Côxta Rica, Mêhicô và có thể cả Panama đang hy vọng trở thành một khối hùng mạnh, có thể dũng cảm đương đầu với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc chiến Mỹ-Trung nhằm tranh giành ảnh hưởng tại Mỹ Latinh có thể thúc đẩy các nước trong khu vực xích lại gần nhau hơn, cho phép họ có thể dũng cảm đương đầu với cả Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, “cuộc chiến” Mỹ - Trung tại Mỹ Latinh còn hứa hẹn nhiều chương hồi hấp dẫn.
Lê Hoàng(tổng hợp)