Cuộc đấu tranh giành tiền quảng cáo
Hãng tin Reuters cho biết ngành báo chí Mỹ gần đây đã kêu gọi hạn chế quyền lực của những công ty công nghệ lớn. Khi dự phiên điều trần trước tiểu ban về luật chống độc quyền, thương mại và hành chính thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đại diện ngành báo chí sẽ trình bày quan điểm rằng công ty công nghệ đang đe dọa sự sống còn của ngành báo chí và cần giám sát thêm các công ty này.
Các tờ báo Mỹ cho rằng nền tảng trực tuyến như Google và Facebook đã khiến họ không thể nhận được phần doanh thu quảng cáo kỹ thuật số xứng đáng từ các quảng cáo xuất hiện cạnh nội dung tin tức.
Theo số liệu từ Dự án Cứu ngành báo chí, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ ngành báo chí Mỹ, 63% doanh thu quảng cáo kỹ thuật số do Google và Facebook kiểm soát.
Đồng sáng lập dự án trên, ông John Stanton, nói với tờ The Hill: “Google, Facebook và Apple kiểm soát quá nhiều khả năng bạn đưa thông tin trên mạng và sau đó họ kiểm soát quá nhiều doanh thu quảng cáo đổ về từ đó, đến nỗi khiến ngành báo chí kiệt quệ”.
Trong phiên điều trần, sẽ có cuộc thảo luận về dự luật cho phép các cơ quan báo chí tạm thời được miễn quy định chống độc quyền để họ có thể phối hợp với nhau nhằm tạo sức nặng tập thể khi đàm phán với các công ty công nghệ trong phân chia doanh thu quảng cáo. Dự luật đề xuất thời hạn miễn quy định là 4 năm. Luật chống độc quyền hiện nay không cho phép các đơn vị cùng ngành phối hợp với nhau kiểu như vậy.
Dự luật có tên Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí hy vọng cung cấp một bến đỗ an toàn tạm thời cho báo chí Mỹ để đàm phán tập thể với các nền tảng trực tuyến lớn về các điều khoản phân phối nội dung.
Trước phiên điều trần ngày 11/6, một nghiên cứu từ Liên minh Truyền thông tin tức đăng trên tờ The New York Times ước tính Google kiếm được 4,7 tỷ USD doanh thu quảng cáo gắn với ngành báo chí trong năm 2018. Con số này chỉ kém 400 triệu USD so với số tiền mà ngành báo chí thu về từ quảng cáo kỹ thuật số năm ngoái.
Nghiên cứu nhấn mạnh Google kiếm tiền nhiều từ quảng cáo kỹ thuật số và cho rằng các tờ báo chỉ thu được một phần nhỏ trong tổng doanh thu.
Ông David Chavern, Chủ tịch Liên minh Truyền thông tin tức, nói rằng ngành báo chí xứng đáng được hưởng những gì mà Google kiếm được.
Tuy nhiên, Google cho rằng kết quả nghiên cứu trên không chính xác, chỉ là tính toán sơ bộ.
Giáo sư, nhà báo Jeff Jarvis cho rằng Google thực ra đã giúp các tờ báo bằng cách hướng các lệnh tìm kiếm trên internet và độc giả tới trang web của các báo.
Ông Jarvis nói: “Vấn đề từ lâu nằm ở chỗ các tờ báo không đủ năng lực khai thác toàn bộ giá trị của những lần nhấp chuột này bằng cách tạo ra mối quan hệ giá trị và có ý nghĩa với những người tìm đến trang của họ. Vấn đề thực sự ở đây là các tờ báo không chịu hiểu internet đã thay đổi thế giới của họ thế nào”.
Có nên đòi đặc ân?
Trong khi ngành báo chí Mỹ đòi hỏi quyền lợi với Google hay Facebook, một số người tỏ ra không đồng tình với chiến dịch vận động này của các tờ báo.
Viết trên tờ Politico, nhà báo Jack Shafer cho rằng ngành báo chí không cần, và không nên đòi có một luật đặc biệt để giúp họ cạnh tranh với Google và Facebook.
Nhà báo này cho rằng sẽ là sai lầm nếu thông qua một luật chống lưng cho ngành truyền thông bằng cách ban cho ngành này đặc ân cạnh tranh đặc biệt.
Những người ủng hộ dự luật cũng sai khi cáo buộc Google và Facebook làm tổn hại ngành báo chí khi tổng số phát hành báo suy giảm so với trước khi web xuất hiện.
Họ cũng nói quá tình trạng khó khăn của báo chí. Đúng là ngành báo chí truyền thống có sụt giảm. 1.800 trong tổng số 9.000 tờ báo phá sản hoặc phải sáp nhập từ năm 2004. Tổng doanh thu quảng cáo trên báo chí giảm mạnh từ năm 2006.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, cả doanh thu trên tổng số phát hành và doanh thu quảng cáo kỹ thuật số đều tăng. Quảng cáo trên báo in từng chiếm 80% doanh thu toàn ngành. Giờ đây, báo chí không chỉ là báo in. Quảng cáo kỹ thuật số và đăng ký đọc báo kỹ thuật số mang về khoảng 40% doanh thu.
Theo nhà báo Jack Shafer, mặc dù ngành báo chí tạo ra sản phẩm có giá trị nhưng đó không phải là lý do để chính quyền liên bang can thiệp. Nếu người tiêu dùng chủ ý bỏ báo chí hàng loạt và đổ xô đọc tin tức và quảng cáo ở nơi khác, thì Quốc hội Mỹ cũng không có nhiệm vụ phải đưa người tiêu dùng trở lại chỗ cũ.
Do đó, thay vì kiến nghị Quốc hội để xin đặc ân, ngành báo chí Mỹ cần cạnh tranh. Nếu không thể thu hút độc giả, các tờ báo Mỹ cần chấp nhận thực tế.