Cùng tiêm vaccine nhanh chóng nhưng Anh và Mỹ đi theo đường khác nhau

Mặc dù khởi động chương trình tiêm vaccine COVID-19 chậm hơn Anh nhưng số ca mắc mới tại Mỹ đã giảm. Tuy nhiên, Mỹ và Anh lại đi những hướng khác nhau trên con đường chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đến cửa hàng làm đẹp tại London sau khi Anh nới lỏng quy định giãn cách xã hội. Ảnh: The New York Times

Các nhà hàng khắp nước Mỹ vào cuối tuần qua nhộn nhịp thực khách qua lại. Điều này bắt nguồn từ quyết sách khá ngắn gọn của chính quyền Tổng thống Joe Biden: nếu bạn đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn.

Tuy nhiên, ở bên kia đại dương, nước Anh lại mang câu chuyện khác mặc dù số ca mắc cũng giảm và chương trình tiêm vaccine được đẩy mạnh.

Tờ New York Times (Mỹ) cho biết tại Anh đang xuất hiện tâm lý hoài nghi với kế hoạch quay trở lại cuộc sống trước đại dịch từ 21/6 tới. Giáo sư Tim Spector tại trường King’s College London (Anh) phân tích: “Chúng tôi thấy viễn cảnh xấu hơn Mỹ”.

Vào cuối tuần quan, Chính phủ Anh đã quyết định tăng cường quy định du lịch, trong đó bao gồm cả những người đã tiêm đủ vaccine, bằng việc loại bỏ Bồ Đào Nha khỏi danh sách những nơi công dân nước này được bay đến không kèm theo cách ly. Bồ Đào Nha vốn là địa điểm du lịch được yêu thích tại châu Âu và quyết định mới đồng nghĩa với việc du khách Anh khi trở về từ quốc gia này sẽ buộc phải cách ly trong 10 ngày.

Các nhà khoa học vẫn tranh luận liệu Chính phủ Anh có nên tiếp tục tái mở cửa từ 21/6 hay không bởi cho rằng ảnh hưởng của việc trì hoãn thêm vài tuần vẫn nhỏ hơn so với thiệt hại có thể xảy ra nếu bùng phát dịch từ biến chủng Delta (B.1.617) vốn phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.

Nhà nghiên cứu Theo Sanderson tại Viện Wellcome Sanger (Anh) đánh giá biến thể Delta vẫn là ẩn số vì vậy “vẫn còn điều chưa chắc chắn về điều sẽ diễn ra phía trước”. Biến thể Delta đã “nhập cảnh” vào Anh từ tháng 3.

Chú thích ảnh
Người dân Mỹ tập trung theo dõi một sự kiện thể thao vào cuối tháng 5. Ảnh: Reuters

Anh trở thành “phòng thí nghiệm” công phu nhất của thế giới liên quan đến biến đổi virus SARS-CoV-2 với 60% các ca mắc COVID-19 tại Anh đều được phân tích trình tự gen. Điều này tạo điều kiện để Anh nhận ra những dấu hiệu mới nhất về các biến thể nguy hiểm.

Như vậy, Anh trở thành tiên phong cho các thách thức mà những quốc gia thực hiện tốt chương trình tiêm vaccine phải đối mặt khi biến thể virus SARS-CoV-2 tiếp cận những người chưa tiêm vaccine.

Các nhà khoa học cũng nhận định chiến lược khác biệt của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ còn phản ánh quan điểm của chính phủ phương Tây về trách nhiệm của họ với người dân chưa tiêm vaccine.

Chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang tìm cách để xử lý tình trọng ngần ngại tiêm vaccine.

Trong khi ở Anh, trên 90% người hơn 65 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và giới chức đang mở rộng, tăng cường tiêm chủng tại những khu vực thu nhập thấp và đông người dân da màu.

Ông James Naismith tại Viện Rosalind Franklin (Anh) nhận định: “Chúng tôi biết rằng virus chủ yếu tấn công những khu vực thu nhập thấp và người da màu. Chiến thuật của Mỹ dường như phản ánh cam kết sâu xa với chủ nghĩa cá nhân. Chương trình tiêm vaccine của Anh trong khi đó lại được quản lý chặt chẽ”.

Tại EU, nơi chiến dịch tiêm vaccine còn chậm hơn Mỹ và Anh, chính quyền các quốc gia thành viên đều cẩn trọng. Đức, Pháp và Áo đều đã nhanh chóng cấm hầu hết du khách từ Anh. Tại EU, tính đến thời điểm này có 47% dân số trưởng thành được tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên.

Hà Linh/Báo Tin tức
Giới khoa học cảnh báo về nguy cơ mắc hội chứng Guillain-Barré sau nhiễm COVID-19
Giới khoa học cảnh báo về nguy cơ mắc hội chứng Guillain-Barré sau nhiễm COVID-19

Các nhà khoa học Đại học Birmingham (Anh) cho biết nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể dẫn đến phát triển hội chứng Guillain-Barré.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN