Cuba hướng giáo dục vào nhu cầu của kinh tế thị trường

Cuba đang hướng giáo dục vào nhu cầu của kinh tế thị trường. Đó là đầu đề bài viết của phóng viên Yolanda Martínez của nhật báo La Reforma (Cải cách), Mêhicô, đăng trên trang tin Quốc tế ra ngày 26/9.

Ngành sư phạm và kinh tế là các ngành mà Bộ Giáo dục Cuba hướng học sinh nên theo học ở cấp độ công nhân lành nghề. Ảnh: Internet


Theo tác giả, chính phủ Cuba đang tập trung tuyển sinh nhiều thanh niên vào học các ngành kỹ thuật với mục tiêu là trong vòng 5 năm tới, nhà nước đảm bảo cung cấp đủ nhân lực về thợ lành nghề và kỹ thuật viên cho khu vực kinh tế tư nhân và hy vọng cũng trong 5 năm tới, khu vực kinh tế tư nhân này chiếm tới 50% nền kinh tế quốc dân. Với tinh thần này, các nhà làm công tác giáo dục tích cực tham gia vào một kế hoạch tổng thể với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cần tuyển nhân sự có tay nghề cao.

Mới đây, nữ Bộ truởng Giáo dục Cuba Ena Elsa Velázquez đã tiến hành đối thọai trực tiếp với các giám đốc doanh nghiệp tòan quốc để quán triệt tầm quan trọng của quá trình hướng dẫn học sinh tại các trường cấp 2 nên theo học tại các trường sư phạm và kinh tế, nhưng chỉ cần ở cấp công nhân lành nghề chứ không cần cao tới mức đại học. Cuba chủ trương tăng số lượng tuyển sinh vào các ngành nghề đó, đồng thời tiến hành mở chiến dịch tuyên truyền và giáo dục ý thức cho học sinh sinh viên và nhân dân nói chung về tầm quan trọng của những lựa chọn quan trọng này. Cho đến nay đã có tới 40.000 người dân ở thành phố và tỉnh Habana đăng ký vào học các ngành được coi là mũi nhọn trong năm học năm nay.

Hiện tại, các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, đài phát thanh và báo in đều tập trung đưa tin ca ngợi những tấm gương điển hình trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế, tập trung vào những nông dân, hay công nhân, thợ lành nghề. Tuy nhiên, chính phủ Cuba cũng phải ghi nhận nhiều khó khăn khi tiến hành công việc này, vì không phải dễ gì thay đổi nhận thức của người dân. Đã từ lâu rồi, trong tiềm thức người Cuba làm cha làm mẹ, không ai muốn con mình đi làm công nhân hay nông dân, mà chỉ mong con mình trở thành kỹ sư, nhà lãnh đạo hay làm chuyên môn trong những lĩnh vực cao siêu.

Bài báo trích tâm sự của một nhà báo xin được giấu tên khẳng định rằng, thực tế đời sống xã hội Cuba đã khác xưa. Đất nước Cuba cần khôi phục ngành công nghiệp quốc gia, ngành xây dựng và sản xuất nông nghiệp để cung cấp thực phẩm cho xã hội. Trên thực tế, thị trường lao động Cuba phải trải qua một quá trình tái cơ cấu nhằm đạt được hiệu quả kinh tế thực sự mà hàng thập kỷ qua nó bị lãng quên. Cuba cần phải rèn luyện cho thế hệ trẻ ngày nay trở thành thế hệ người lao động có tính cạnh tranh cao, làm việc trong một xã hội trong đó Nhà nước đóng vai trò phân phối của cải, nhưng nền kinh tế phải do quy luật của thị trường điều chỉnh.

O ép bởi một nền kinh tế đang đứng bên bờ vực thẳm, chính phủ Cuba hiểu tầm quan trọng của giáo dục, vẫn giữ nguyên ngân sách giáo dục ở tất cả các cấp, nhưng buộc phải tiến hành một số điều chỉnh ngay tức khắc, trong đó đình chỉ ngay việc dùng xe công đưa đón học sinh đi tham gia công việc ngoài đồng mà từ trước đến nay vẫn làm. Con số thống kê chính thức cho biết tại tỉnh miền Trung Santa Clara, hàng tháng địa phương này tiêu tốn 277.263 lít nhiên liệu để đưa đón học sinh đi từ ký túc xá ngoài đồng về nhà với gia đình vào các ngày nghỉ cuối tuần. Một sự lãng phí ghê gớm, vì hiệu quả của lực lượng lao động là học sinh ấy không thể bù lại giá phải trả cho việc đưa đón, đi lại, chưa tính đến khẩu phần lương thực, đồ dùng vệ sinh cá nhân, trang bị giường, chăn màn... được phát miễn phí. Ngay chính bản thân chủ tịch Raul Castro cũng phải thừa nhận đối với Nhà nước, đào tạo một học sinh ở trường đặt tại thành phố rẻ hơn 3 lần so với một học sinh đi học theo hệ thống ký túc xá đặt tại một nông trường.

Bài báo nhận xét rằng hiểu được những khó khăn trước mắt và sự lãng phí đã từng tồn tại trong nhiều thập kỷ qua, Cuba vẫn quyết tâm không tiết kiệm trong đầu tư cho giáo dục. Trong năm học 2011-2012, chính phủ đầu tư 4 triệu USD tiền mua phương tiện trang bị cho các phòng thí nghiệm và hơn 16 triệu USD cho sách giáo khoa và đồ dùng học tập và giảng dậy. Nghĩa là Cuba đã và đang tìm đến con đường tự lập. Người dân biết tự lo, tự xoay xở cho bản thân chứ không trông chờ tất cả vào Nhà nước nữa. Điều này có thẻ nhận ra sau cuộc tiếp xúc với chàng thanh niên Gabriel Ocaña, 16 tuổi sống tại Phường San Agustin, ngọai ô thành phố Habana, khi anh ta tâm sự: "Cha mẹ cho tôi tiền đi xe buýt đến trường, còn tiền ăn sáng, ăn giữa giờ ( Cuba có thói quen này) và tiền đi chơi vào cuối tuần là do tôi kiếm thông qua một công việc làm thêm tại phân xưởng sửa chữa điện lạnh tư nhân bên cạnh nhà tôi".

Bài báo kết luận: Một cách tư duy mới đang nẩy mầm trong một xã hội đang thay đổi tại Cuba.

Việt Hòa (P/v TTXVN tại Mêhicô)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN