Cử tri trẻ ở Mỹ hào hứng với lần đầu thực hiện quyền công dân

Ngày 24/10 - ngày bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tại Mỹ, hàng trăm cử tri trẻ tuổi tại bang California (Mỹ) đã tập trung tại trung tâm thành phố Norwalk trong một không khí vui tươi như lễ hội. Với nhiều người trong số họ, đây là lần bỏ phiếu đầu tiên trong đời.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Ảnh: AP

Fabiola Argueta, 18 tuổi, từ Đông Los Angeles, cho biết anh cảm thấy "rất phấn khích và vui mừng vì sẽ được bỏ phiếu lần đầu tiên ". Về phần mình, Paige McGhee, 21 tuổi, cho biết việc thanh niên đi bỏ phiếu rất quan trọng để thực hiện quyền đại diện hiến định của mình. Theo anh McGhee, rất nhiều cử tri trẻ là người da màu và "chúng tôi là một thế hệ nhiều màu da nhất từ trước tới nay, vì vậy chẳng có lý gì khi nền chính trị ngày nay không phản ánh sự đa dạng đó". McGhee cũng cho biết thêm: "Tình trạng người vô gia cư là vấn đề thực sự lớn. Chúng ta có thể thấy trên đường phố Los Angeles rất nhiều người vô gia cư và cần làm gì đó để giải quyết việc này".

Nhiều người khác, như Tyler Okeke, tuy chưa đủ tuổi để tham gia cuộc bỏ phiếu lần này, nhưng cũng bày tỏ mong muốn được đi bầu: "Tôi rất buồn vì chưa được đi bầu, nhưng tôi sẽ có thể tham gia bầu cử vào năm 2020, và khi đó tôi định sẽ bỏ phiếu cho các lãnh đạo cấp tiến, những người sẽ tiến hành những thay đổi cần thiết".

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ chính thức diễn ra vào ngày 6/11 tới. Thăm dò dư luận cho thấy các nghị sĩ đảng Dân chủ có cơ hội giành được 23 ghế mà họ cần phải có để giành thế đa số tại Hạ viện. Tuy nhiên, khó khăn sẽ lớn hơn tại Thượng viện, nơi họ cần có thêm 2 ghế trong khi phải bảo toàn được 26 ghế hiện tại, trong đó có 10 ghế đang nằm trong các bang mà ứng cử viên Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Trong cuộc bầu cử này, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu ra toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 35/100 ghế Thượng viện, 36 Thống đốc bang cùng khoảng 6.000 ghế (tương đương gần 82% tổng số ghế) trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ.

Bích Liên (TTXVN)
Mỹ có những 'đòn' gì để trừng phạt Saudi Arabia vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Mỹ có những 'đòn' gì để trừng phạt Saudi Arabia vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Các lệnh trừng phạt là một công cụ đã "cùn". Dưới đây mới là những gì Mỹ có thể làm để buộc những kẻ đứng sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi phải trả giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN