Tính cả số ghế của đảng Công minh, liên minh cầm quyền có 293 trong tổng số 465 ghế hạ viện. Giới phân tích cho rằng kết quả đó cho thấy cử tri Nhật Bản đã lựa chọn sự ổn định về chính trị.
Cụ thể, theo kết quả kiểm phiếu công bố sáng 1/11, LDP giành được 261 ghế, giảm 15 ghế so với thời điểm trước khi Thủ tướng Fumio Kishida giải tán hạ viện để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Điểm đáng lưu ý là Tổng Thư ký LDP Akira Amari, người được coi như “kiến trúc sư trưởng” cho thắng lợi của đảng cầm quyền, lại thất bại trong cuộc đối đầu với ứng cử viên do phe đối lập hậu thuẫn ở hình thức bầu cử trực tiếp tại một khu vực bầu cử thuộc tỉnh Kanagawa. Mặc dù sau đó ông Amari vẫn có ghế ở Hạ viện theo hình thức đại diện tỷ lệ, nhưng chính trị gia này đã nêu ý định rời khỏi vị trí số 2 của đảng cầm quyền. Đây là lần đầu tiên có một tổng thư ký đương nhiệm của LDP bị thất bại trong hình thức bầu cử trực tiếp ở khu vực bầu cử một ghế.
Trong khi đó, đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền - giành được 32 ghế, tăng 3 ghế so với trước bầu cử. Đây là chiến thắng đã được dự báo trước khi đảng Công minh có một chiến lược tranh cử hết sức khôn khéo. Như vậy, liên minh cầm quyền giành được tổng cộng 293 ghế, giảm 12 ghế.
Về phía phe đối lập, đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) chỉ giành được 96 ghế, giảm 13 ghế, bất chấp việc CDPJ hợp tác với 4 đảng đối lập khác để giới thiệu các ứng cử viên duy nhất ở 213 khu vực bầu cử cử một ghế. Mặc dù vậy, CDPJ vẫn duy trì được vị thế đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản.
Đối với 4 đảng đã hợp tác với CDPJ trong cuộc bầu cử này, đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) giành được 11 ghế, giảm 1 ghế; đảng Dân chủ Xã hội (SDP) giữ nguyên 1 ghế; đảng Dân chủ vì nhân dân (DPFP) giành được 11 ghế, tăng 3 ghế; Reiwa Shinsengumi giành được 3 ghế, tăng 2 ghế. Riêng đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) - một đảng đối lập thiên hữu và đã từng đứng về phía LDP trong một số vấn đề như sửa đổi Hiến pháp - giành được 41 ghế, tăng hơn gấp 3 lần so với con số 11 ghế trước bầu cử.
Trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Kishida, người đang giữ chức Chủ tịch LDP, đặt mục tiêu duy trì thế đa số của liên minh cầm quyền tại Hạ viện. Vì vậy, việc chỉ riêng LDP đã giữ được thế đa số ở Hạ viện là một kết quả ngoài kỳ vọng của ban lãnh đạo đảng cầm quyền. Với kết quả này, LDP sẽ không phải phụ thuộc nhiều vào đảng Công minh ở Quốc hội. Bên cạnh đó, với việc giành được hơn 261 ghế ở Hạ viện, LDP đã có được thế đa số ổn định tuyệt đối, tức là giữ tất cả các ghế chủ tịch và chiếm đa số ghế ở tất cả 17 ủy ban thường trực của Hạ viện. Điều này sẽ giúp LDP dễ dàng triển khai chương trình nghị sự pháp luật của mình ở Quốc hội, đồng thời tạo điều kiện cho Thủ tướng Kishida thực hiện các cam kết chính sách đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Theo dự kiến, Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt vào ngày 10/11 để bầu thủ tướng mới. Với chiến thắng của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử vừa qua, gần như chắc chắn ông Kishida sẽ tiếp tục được bầu giữ chức thủ tướng. Nhiều khả năng Thủ tướng Kishida sẽ không cải tổ nội các bởi nội các hiện nay mới được thành lập ngày 4/10.
Phát biểu sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Kishida khẳng định kết quả này sẽ giúp ông theo đuổi các cam kết trong chiến dịch tranh cử, trong đó có việc củng cố hệ thống y tế để chống dịch COVID-19 và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Giới phân tích nhận định mặc dù giúp LDP giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử hạ viện, nhưng trước mắt, Thủ tướng Kishida vẫn còn khá nhiều thách thức, trong đó có việc làm thế nào để ứng phó một cách có hiệu quả với các làn sóng lây nhiễm của dịch COVID-19 trong tương lai.
Trong chiến dịch tranh cử chức chủ tịch đảng cầm quyền vào cuối tháng 9, Thủ tướng Kishida đã kêu gọi thiết lập cơ quan quản lý khủng hoảng y tế đóng vai trò như một tháp chỉ huy. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “xem xét nghiêm túc hệ thống phong tỏa theo kiểu Nhật Bản, có sự kết hợp giữa giấy chứng nhận tiêm vaccine và chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2”. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia đều cho rằng Nhật Bản rất khó áp dụng biện pháp phong tỏa cứng như nhiều nước đang áp dụng. Giáo sư khoa học chính trị Yu Uchiyama của Đại học Tokyo cho rằng: “LDP cho biết muốn sửa luật để hạn chế hoạt động đi lại của người dân và củng cố hệ thống y tế nhưng theo tôi, việc sửa luật là bất khả thi”.
Ngày 15/10, chính quyền của Thủ tướng Kishida đã công bố bản đề cương kế hoạch mới để ứng phó với dịch COVID-19, trong đó Chính phủ Nhật Bản cam kết củng cố hệ thống y tế để tăng năng lực tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của các bệnh viện thêm 20% so với thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ năm. Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, Thủ tướng Kishida nói: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm mới bằng cách xem xét kịch bản tồi tệ nhất”.
Song song với việc ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Kishida cần phải nỗ lực để thực hiện cam kết về kinh tế, với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tái phân bổ các thành quả của tăng trưởng để xây dựng tầng lớp trung lưu lớn mạnh hơn ở nước này, thúc đẩy phát triển các công nghệ tiên tiến cho số hóa, giảm thải carbon và các vấn đề an ninh kinh tế, trong đó việc đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn sẽ là “ưu tiên hàng đầu”.
Như vậy, với việc LDP duy trì được thế đa số ổn định tuyệt đối tại Hạ viện, Thủ tướng Kishida đã vượt qua thử thách lớn đầu tiên sau khi nhậm chức hôm 4/10. Giáo sư Uchiyama nhận định tương lai của chính quyền ông Kishida sẽ phụ thuộc vào những yếu tố thuận lợi hỗ trợ như tình hình dịch bệnh đang diễn biến tích cực và vào kỹ năng điều hành chính phủ của bản thân Thủ tướng Kishida. Theo Giáo sư Uchiyama: 'Nếu kiểm soát tốt dịch COVID-19 và Thủ tướng Kishida có thể thể hiện các kỹ năng chính trị ở một mức độ nhất định, ông Kishida có thể cầm quyền trong thời gian dài hơn”.
Kết quả cuộc bầu cử hạ viện Nhật Bản vừa qua cho thấy chính quyền của Thủ tướng Kishida đã phần nào giành được sự tín nhiệm của cử tri. Nhiệm vụ của chính quyền trong thời gian tới sẽ là giữ được sự tín nhiệm đó.