COVID-19 trên thế giới tuần qua: Nguy cơ làn sóng dịch mới ở châu Âu; Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng dịch

Trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 26/6-3/7, thế giới chứng kiến các xu thế dịch bệnh trái ngược tại các châu lục và khu vực. Hầu hết các quốc gia tiếp tục tiến trình mở cửa đất nước, song vẫn còn một số nước như Trung Quốc kiên trì chính sách “Không COVID-19”.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện Pokrovskaya ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 8 giờ sáng 3/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 554.031.005 ca, trong đó có tổng cộng 6.360.787 người tử vong.

Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận 4.987.278 ca mắc mới (tăng trên 325.000 ca, tương đương 7% so với tuần trước nữa). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 9.334 ca (giảm 407 ca, tương đương 4% so với 1 tuần trước).

Tuần qua, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (640.024 ca), đồng thời cũng là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (1.790 ca, giảm 14% so với tuần trước nữa).

Thế giới cũng ghi nhận 3.547.716 trường hợp COVID-19 phục hồi trong quãng thời gian này. Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng” nằm ở một số nước châu Âu và châu Mỹ. Trong khi đó ngày càng nhiều nước thông báo nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện Pokrovskaya ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 512 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 21 triệu ca và trên 35.700 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Tuy nhiên, trong tuần qua nhiều nước châu Âu chứng kiến xu thế ca mắc tăng trở lại, đi kèm với đó là nỗi lo một đợt sóng dịch mới bùng phát trong mùa Hè này.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại, đồng thời kiên trì chiến lược “Không COVID linh hoạt”. Song Trung Quốc tuần qua bắt đầu các bước mở cửa trở lại một số dịch vụ công thiết yếu sau thời gian phong tỏa, cũng như giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm, song có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia vẫn khá căng thẳng hơn so với các nước khác. Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh tại Pháp và Italy

Dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại châu Âu. Ngày 1/7, Pháp ghi nhận số mắc mới trung bình trong tuần cao nhất kể từ ngày 19/4, trong khi số ca mắc mới tại Italy tăng tuần thứ 4 liên tiếp.

Theo giới chức Pháp, quốc gia châu Âu này đang trải qua làn sóng thứ 7 của dịch COVID-19. Hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang đã được dỡ bỏ tại hầu hết các khu vực, trừ bệnh viện. Tuy nhiên, số ca mắc mới  có xu hướng gia tăng trở lại từ tháng 6. Ngày 1/7, nước này ghi nhận hơn 125.000 ca nhiễm mới, nâng số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua lên 99.316 ca/ngày - mức cao nhất kể từ ngày 19/4. Thời điểm cuối tháng 5, số ca mắc mới trung bình tại Pháp chỉ vào khoảng 18.000 ca/ngày.

Trong ngày 1/7, số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực đã tăng lên 960 ca, thấp hơn con số 3.000 ca hồi đầu năm. Trong 3 tuần qua, mỗi ngày Pháp có khoảng 40 ca tử vong do COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh trên, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne trong tuần này đã khuyến khích người dân thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang trở lại tại những địa điểm đông người có không gian kín, đặc biệt trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, đây không phải là quy định bắt buộc.

Tại Italy, ngày 1/7, nước này đã có hơn 86.000 ca mắc mới - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 4.  Số ca tử vong trong ngày này là 72 ca - cao nhất trong hai tuần qua. Theo Bộ Y tế Italy,  với đà tăng hiện nay, virus SARS-CoV-2 đang lây lan trở lại tại nước này. Hiện có 8 trong tổng số 21 tỉnh thành và vùng của Italy xếp vào diện khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch trên đường phố tại Shizuoka, Atami, Nhật Bản, ngày 27/6/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Nhật Bản lo ngại bùng phát làn sóng COVID-19 mới trong mùa Hè

Giới chuyên gia nước này đang lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 mới trong mùa Hè này sau khi số ca mắc gia tăng ở nhiều địa phương so với một tuần trước đây. Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), sau kỳ nghỉ lễ dài ngày đầu tháng 5, số ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản tăng rồi giảm dần, nhưng khoảng hai tuần gần đây đã tăng đều trở lại.

Số ca mắc mới trong tuần cuối của tháng 6 cao hơn 1,37 lần so với tuần trước đó, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn đông dân cư. Cụ thể, thủ đô Tokyo tăng 1,37 lần, tỉnh Osaka tăng 1,32 lần, tỉnh Shimane tăng tới 2,92 lần. Trong ngày 30/6, thủ đô Tokyo ghi nhận 3.621 ca mắc COVID-19 mới, tăng 1.200 ca so với một tuần trước đó và là tăng ngày thứ 13 liên tiếp.

Theo các chuyên gia của MHLW, có nhiều nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 mới gia tăng ở Nhật Bản trong thời gian gần đây, bao gồm hiệu quả vaccine giảm dần theo thời gian, số lượng người tụ tập tại các trung tâm đô thị lớn tăng mạnh vào ban đêm, nhiệt độ ngoài trời tăng cao làm giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của con người và làm gia tăng nhiều hoạt động trong nhà.

Các chuyên gia chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ của mũi vaccine thứ 3 của hãng Pfizer hoặc Moderna giảm từ 70% trong tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 sau tiêm xuống 50% sau 3 tháng và chỉ còn 30% sau 4 tháng. Tâm lý chủ quan của đa số người dân cho rằng dịch bệnh đã bị đẩy lùi và việc xem nhẹ các biện pháp chống dịch cơ bản cũng là yếu tố khiến các ca mắc mới gia tăng trở lại.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore sẵn sàng đối phó với làn sóng COVID-19 do biến thể phụ của Omicron

Ngày 28/6, Bộ Y tế Singapore cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron và không loại trừ khả năng thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong tuần qua, có tới 45% số ca mắc mới COVID-19 ở “đảo quốc sư tử” là do biến thể phụ BA.4 và BA.5, tăng so với tỷ lệ 30% của tuần trước đó. Trong số ca mắc mới COVID-19 tuần qua có 40% nhiễm biến thể phụ BA.5.

Bộ Y tế Singapore cho biết sẽ chưa điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay, theo đó việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có không gian kín hoặc trên phương tiện giao thông công cộng vẫn là quy định bắt buộc. Hiện tại, cơ quan này đang theo dõi sát tình hình và không loại trừ khả năng thắt chặt các biện pháp giãn cách nếu cần thiết.

Các cơ quan chức năng Singapore cũng tiếp tục duy trì tuần tra, kiểm tra và xử phạt các trường hợp vi phạm quy định giãn cách xã hội. Từ ngày 19/4 tới 14/6, lực lượng liên ngành của Singapore đã kiểm tra tại 1.543 cơ sở trên khắp cả nước, xử phạt 48 cơ sở, chủ yếu là các quán dịch vụ giải trí về đêm, và bắt tạm giữ, xử phạt 103 đối tượng vi phạm và chống đối người thi hành công vụ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/5/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Trung Quốc giảm thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 28/6 thông báo thời gian cách ly bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh nước này giảm từ 21 ngày xuống còn 10 ngày.

Cụ thể, theo hướng dẫn mới nhất về phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc, những hành khách nhập cảnh nước này và người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 phải lưu lại khu cách ly tập trung trong 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tại nhà. Trước đó, Trung Quốc quy định hành khách cách ly 21 ngày tại khách sạn.

Theo NHC, Trung Quốc đại lục ngày 27/6 ghi nhận thêm 1 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại tỉnh Quảng Đông, Đông Nam nước này. Ngoài ra, 21 ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không có triệu chứng được ghi nhận tại các tỉnh An Huy, Liêu Ninh, Quảng Đông, Quảng Tây và thành phố Thiên Tân. Tổng cộng 77 bệnh nhân đã được xuất viện cùng ngày sau khi bình phục, nâng tổng số ca được chữa khỏi bệnh lên 219.868 ca. Không có thêm ca tử vong nào do COVID-19 tại Trung Quốc đại lục, theo đó tổng số ca tử vong tại đây vẫn là 5.226 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Macau (Trung Quốc) mở rộng các hạn chế để phòng dịch COVID-19

Nhà chức trách Macau (Trung Quốc) đang nỗ lực khống chế đợt bùng phát dịch COVID-19, được đánh giá là lớn nhất tại thành phố này. Theo đó, người dân sinh sống tại Macau được yêu cầu xét nghiệm hằng ngày và ở nhà nhiều nhất có thể.

Đáng chú ý, trong số 570 ca nhiễm mới trong ngày, có cả các nhân viên y tế, cảnh sát và lực lượng cứu hỏa. Giới chức đã yêu cầu người dân phải sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc virus SARS-CoV-2 hằng ngày.

Trong khoảng 1 tuần, Đặc khu hành chính Macau đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng đối với hơn 600.000 người. Hơn 7.000 người đang phải cách ly bắt buộc. Cùng ngày, nhà chức trách Macau cho biết đã tiêu hủy 100 kg xoài nhập từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sau khi một mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo giới chức Macau, việc nhập xoài từ Đài Loan cũng sẽ bị cấm trong khoảng 1 tuần.

Hiện hơn 20 khu vực trên toàn Macau đã bị phong tỏa trong bối cảnh nhà chức trách nỗ lực chặt đứt chuỗi lây nhiễm dòng phụ BA.5.1 của biến thể Omicron. Người dân được yêu cầu ở trong nhà nhiều nhất có thể, với nhiều cơ sở phải đóng cửa, trong đó có các quán bar, tiệm làm tóc và công viên ngoài trời. Các cơ sở bán đồ ăn chỉ được phép bán mang đi, trong khi các casino vẫn được phép mở nhằm bảo vệ việc làm.

Hiện Macau vẫn tuân thủ chính sách "không COVID" (Zero COVID) của Trung Quốc đại lục. Trên thực tế, số ca mắc mới theo ngày tại Macau hiện vẫn khá thấp so với các khu vực khác. Như tại Hong Kong, số ca mắc mới theo ngày tại đây đã lên tới gần 2.000 ca/ngày trong tháng này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga bãi bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch COVID-19 

Nga ngày 1/7 thông báo chấm dứt toàn bộ các hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19, bao gồm quy định đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca tử vong do dịch bệnh này giảm đều.
Tuy nhiên, Nga không loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu tình hình xấu đi.

Cơ quan giám sát tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) nêu rõ cơ quan này "đình chỉ các hạn chế áp dụng trước đây, bao gồm quy định đeo khẩu trang, lệnh cấm ăn uống nơi công cộng vào ban đêm và một số biện pháp khác". Theo Rospotrebnadzor, khả năng lây lan của virus tại Nga phù hợp với các xu hướng trên toàn cầu, theo đó 93% số ca mắc là nhẹ hoặc không triệu chứng.

Thống kê của hãng tin Reuters cho thấy kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Nga vào tháng 4/2020, đến nay nước này đã ghi nhận hơn 800.000 người tử vong do bệnh này hoặc những nguyên nhân liên quan đến bệnh này, với hơn 18 triệu ca mắc.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng để phòng dịch COVID-19 tại nhà máy ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 13/6/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Số ca nghi nhiễm theo ngày ở Triều Tiên giảm mạnh

Cơ quan Y tế Triều Tiên thông báo đã có những trường hợp nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận tại khu vực gần đường biên giới liên Triều nhưng số ca sốt mới theo ngày ở nước này tiếp tục giảm xuống dưới 5.000 ca.

Tin tức từ Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/7 cũng dẫn kết quả điều tra dịch tễ cho thấy một số người thuộc huyện Kumgang (tỉnh Kangwon) đến thủ đô Bình Nhưỡng vào giữa tháng 4 đã bị sốt. Những người tiếp xúc với các đối tượng này sau đó cũng đã bị sốt ở làng Ipho thuộc huyện Kumgang. Đây là lần đầu tiên các ca sốt được phát hiện tại khu vực Kumgang giáp giới với Hàn Quốc.

Cũng theo KCNA, dữ liệu từ Cơ quan phòng chống dịch khẩn cấp nhà nước Triều Tiên cho thấy trong vòng 24 giờ tính đến 18h ngày 30/6, Triều Tiên chỉ ghi nhận 4.570 người có triệu chứng sốt. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca sốt nghi nhiễm COVID-19  mới ở Triều Tiên ở dưới mức 5.000 ca/ngày, giảm mạnh so với mức đỉnh lên tới hơn 392.920 ca hôm 15/5.

Trong một diễn biến liên quan, trang web của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đăng tuyên bố về việc Mỹ bày tỏ sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo giúp Triều Tiên chống dịch COVID-19. Tuyên bố cho rằng Mỹ và các đồng minh đang tạo dư luận về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Triều Tiên do đóng cửa biên giới kéo dài. Trước đó, Mỹ và  Hàn Quốc đã đề nghị cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng không phản hồi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các nhà nghiên cứu Australia cảnh báo mối đe dọa hội chứng COVID kéo dài

Khi các hạn chế về COVID-19 dần được nới lỏng trên khắp Australia, các chuyên gia y tế nước này đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra "làn sóng rất lớn" những người mắc hội chứng COVID kéo dài (long COVID).

Giáo sư Peter Wark, chuyên gia hô hấp, nhấn mạnh vấn đề này có thể không được chú trọng, song chỉ 5% dân số Australia mắc các triệu chứng nghiêm trọng do hội chứng COVID kéo dài có nghĩa là gần 500.000 bị ảnh hưởng bởi hội chứng này. Mặc dù nhiều vấn đề liên quan đến hội chứng COVID kéo dài vẫn chưa được làm rõ, song tác động của hội chứng này có thể rất nghiêm trọng.

Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Australia Mark Butler nhận định nước này có thể chứng kiến một "làn sóng rất lớn" những người mắc hội chứng COVID kéo dài trong những năm tới. Cụ thể, số người mắc hội chứng COVID kéo dài có thể lên tới 1,4 triệu người với các triệu chứng như sương mù não, mệt mỏi và đau đầu.

Giáo sư Wark cho biết hội chứng COVID kéo dài có nhiều triệu chứng phức tạp nên rất khó theo dõi, nghiên cứu và điều trị, đặc biệt không một biện pháp xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán hội chứng này. Tuy nhiên, ông khẳng định việc tiêm phòng có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: NATO công bố Khái niệm Chiến lược mới; Tái bùng phát COVID-19 tại nhiều nước
Thế giới tuần qua: NATO công bố Khái niệm Chiến lược mới; Tái bùng phát COVID-19 tại nhiều nước

Hai sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua chính là việc NATO đưa ra Khái niệm Chiến lược mới coi Nga là mối đe dọa trực tiếp, cùng với làn sóng tái bùng phát COVID-19 ở nhiều quốc gia do biến thể phụ của Omicron gây ra. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN