COVID-19 tới 6h sáng 5/7: Ấn Độ dẫn đầu cả ca mắc và tử vong mới; Nga lây nhiễm kỷ lục

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 288.000 ca nhiễm và trên 5.000 ca tử vong. Ấn Độ lại dẫn đầu thế giới về cả ca mắc và tử vong trong khi Nga trải qua ngày lây nhiễm kỷ lục trong năm nay.

Chú thích ảnh
 Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 5/7 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 184.510.431 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.992.230 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 288. 063 và 5.051 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 168.856.653 người, 11.661.548 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77,.841 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm:  Ấn Độ (40.387 ca), Brazil (27.783) và Nga (25.142 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 743 ca), tiếp theo là Brazil (với 718 ca) và Nga (663 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.592.076 người, trong đó có 621.293 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.584.872  ca nhiễm, bao gồm 402.758 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 18.769.808 ca bệnh và 524.417 ca tử vong.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Kampala, Uganda, ngày 28/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thế giới trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm"

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới đang trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch COVID-19, do sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Người đứng đầu WHO lưu ý biến thể Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới và biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang "thống trị" ở nhiều quốc gia.

Theo ông Tedros, cần theo dõi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội. WHO cho biết hiện đã có 3 tỷ liều vaccine được phân phối trên thế giới, song chưa đầy 2% trong số này được đưa tới các nước nghèo. Mặc dù các nước giàu, trong đó có Anh, Canada, Mỹ, Pháp... cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, WHO ước tính thế giới vẫn cần tới 11 tỷ liều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên một đường phố ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3/7/2021 sau khi chính quyền áp đặt các biện pháp giới nghiêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Nga: Kỷ lục mắc mới từ đầu năm nay

Nga đã công bố thêm 25.142 ca mắc mới trong 24 giờ, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 trong bối cảnh nước này chứng kiến số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng. Cùng với đó, số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở mức rất cao, 663 người trong 24 giờ.

Tuần này, Nga đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp, đặc biệt riêng ngày 3/7 có 697 ca tử vong. Theo số liệu chính thức, cho đến nay đã có 137.925 người tử vong trong số 5,6 triệu người mắc COVID-19 ở Nga.

Nga là nước có số ca mắc mới theo ngày cao nhất khu vực châu Âu. Nga đã công bố có thêm 25.142 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 trong bối cảnh nước này chứng kiến số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng. Cùng với đó, số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở mức rất cao, 663 người trong 24 giờ. Tuần này, Nga đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp, đặc biệt riêng ngày 3/7 có 697 ca tử vong. Theo số liệu chính thức, cho đến nay đã có 137.925 người tử vong trong số 5,6 triệu người mắc COVID-19 ở Nga.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 21/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ: Vaccine nội địa đầu tiên đạt hiệu quả 77,8%

Covaxin - vaccine ngừa COVID-19 bản địa đầu tiên của Ấn Độ - có hiệu quả tổng thể 77,8% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm bệnh COVID-19 và đạt hiệu quả 65,2% đối với biến thể Delta (B.1.617.2).

Công bố kết quả phân tích cuối cùng về quá trình thử nghiệm hiệu quả giai đoạn III được thực hiện đối với 25.800 người tham gia, Bharat Biotech – hãng phát triển Covaxin – cho biết vaccine này có hiệu quả 93,4% đối với những trường hợp mắc COVID-19 biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng, trong khi có hiệu quả bảo vệ 63,6% đối với những trường hợp COVID-19 không triệu chứng. Công ty cho biết họ đưa ra con số hiệu quả tổng thể là 77,8% sau khi đánh giá 130 ca mắc COVID-19 được xác nhận trong số những người tham gia, trong đó bao gồm 24 người đã tiêm Covaxin và 106 người tiêm giả dược.

Chú thích ảnh
Người dân đợi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 3/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bharat Biotech - ông Krishna Ella khẳng định Covaxin được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các chuỗi phân phối toàn cầu. Theo đó, vaccine này có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8ºC, giảm tỷ lệ lãng phí vaccine sau khi mở nắp, qua đó giúp tiết kiệm chi phí cho bên mua.

Ấn Độ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội khi cho phép mở cửa trở lại sân vận động và khu liên hợp thể thao không có khán giả từ ngày 5/7.  Cơ quan Quản lý Thảm họa Delhi (DDMA) cho biết đây tiếp tục là bước nới lỏng tiếp theo, phù hợp với thực tế trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Delhi xuống dưới mức 100 ca/ngày và số ca tử vong chỉ còn dưới 10 ca/ngày. 

Theo số liệu thống kê đến 6h ngày 5/7, Ấn Độ ghi nhận thêm 40.387 ca mắc và 783 ca tử vong mới do COVID-19 trong 24 giờ qua, dẫn đầu thế giới. 

Israel khuyến cáo tiêm vaccine mũi thứ 3 

Israel dự kiến sẽ triển khai một số biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh COVID-19, chủ yếu là do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh.

Thời gian gần đây, tỷ lệ lây nhiễm và số ca COVID-19 nặng tại Israel có chiều hướng gia tăng. Số liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy hơn 90% trong số gần 2.500 bệnh nhân COVID-19 hiện nay ở nước này nhiễm biến thể Delta, so với tỷ lệ 60% tại thời điểm 2 tuần trước đó.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Petah Tikva, Israel, ngày 6/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Israel có khả năng đưa ra khuyến cáo những người có hệ miễn dịch kém nên tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Pfizer. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế Israel, 2 liều vaccine ngừa COVID-19 không thể tạo ra đầy đủ kháng thể cho những người có hệ miễn dịch yếu. Chủ trương này cũng sẽ giúp Israel tiêu thụ bớt số vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer nằm trong lô chuẩn bị hết hạn vào cuối tháng 7/2021.

Nam Phi phê chuẩn sử dụng vaccine Sinovac

Cũng trong ngày 3/7, Bộ Y tế Nam Phi thông báo giới chức nước này đã phê duyệt việc sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc để sử dụng trong nước. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các bệnh viện ở quốc gia này gần như tê liệt bởi làn sóng lây nhiễm thứ 3 của đại dịch COVID-19 và số ca tử vong đã lên tới 60.000 trường hợp.

Nhật Bản triển khai kế hoạch cấp "hộ chiếu vaccine"

Cùng ngày, nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đang triển khai kế hoạch cấp chứng nhận tiêm chủng còn được gọi là "hộ chiếu vaccine" vào cuối tháng 7 tới.

Theo nguồn tin trên, nếu được các nước, trong đó có Italy, Pháp và Hy Lạp... chấp nhận, những người được cấp chứng nhận sẽ được miễn cách ly hoặc không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19 khi đi từ Nhật Bản đến các quốc gia đó.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục yêu cầu khách du lịch nhập cảnh vào Nhật Bản, bao gồm cả những người trở về, phải cách ly trong 2 tuần ngay cả khi họ đã được tiêm phòng. Yêu cầu trên đang làm phức tạp các cuộc đàm phán với các quốc gia như Singapore và Israel, những nước đã kêu gọi miễn trừ theo nguyên tắc "có đi có lại".

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/6/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

"Hộ chiếu vaccine" là giấy tờ chính thức xác nhận người mang nó đã được tiêm chủng đầy đủ. Giấy chứng nhận này do các chính quyền thành phố cấp, sẽ bao gồm tên, số hộ chiếu và ngày tiêm chủng của chủ sở hữu.

Giới kinh doanh ở Nhật Bản đã kêu gọi sử dụng "hộ chiếu vaccine". Tháng 6/2021, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản đã đề xuất cấp các chứng chỉ như vậy dưới dạng kỹ thuật số./.

Hàn Quốc nguy cơ tái bùng dịch

Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày ở Hàn Quốc tiếp tục ở mức trên 700 ca, khiến nhà chức trách phải tăng cường cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch, nhất là ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 4/7 cho biết đã phát hiện thêm 743 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 662 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 160.085 ca. Trước đó, ngày 2/7 và ngày 3/7, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc là 826 và 794 ca - mức cao nhất trong gần 6 tháng qua, do số ca mắc mới tăng đột biến ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Số ca mắc mới công bố ngày 4/7 có giảm một chút so với 2 ngày trước song đây là ngày Chủ nhật có số ca mắc mới cao nhất từ đầu năm nay. Ở Hàn Quốc, số ca bệnh được phát hiện cuối tuần thường ít hơn ngày trong tuần do ít người đi xét nghiệm hơn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 30/6/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Indonesia yêu cầu tăng sản xuất oxy y tế

Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 liên tục tăng cao gây quá tải hệ thống y tế,  Chính phủ Indonesia đã phải đề nghị các công ty sản xuất oxy ưu tiên đáp ứng nhu cầu y tế sau khi xảy ra tình trạng hơn 60 bệnh nhân tại một bệnh viện tử vong do hết nguồn oxy thở chỉ từ ngày 3 đến sáng 4/7.

Quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đang vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất châu Á, với 27.913 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 3/7, phá mọi mức đỉnh cao nhất trong hai tuần qua. Trong thông báo mới nhất, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu ngành công nghiệp khí đốt tăng sản xuất oxy y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị ngành công nghiệp khí đốt ưu tiên sản xuất để đáp ứng nhu cầu y tế ước tính 800 tấn oxy mỗi ngày.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng để nạp bình oxy tại một cửa hàng ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh truyền hình CNN tiếng Indonesia, chính quyền thủ đô Jakarta đã ghi nhận 392 thi thể được chôn cất theo cách thức ngừa COVID-19 trong ngày 3/7, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Chính quyền thành phố cho biết số lượng trên cũng cao gấp 10 lần so với hồi tháng 5/2021, với khoảng 20-30 thi thể mỗi ngày.

Trước tình hình nguy cấp này, chính quyền thủ đô Jakarta đã kêu gọi tất cả người dân tuân thủ nghiêm quy định y tế "5M" ngừa COVID-19, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, tránh xa đám đông và hạn chế ra khỏi nhà.

Thái Lan đối phó làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất

Theo tờ Straits Times, ngay cả khi Thái Lan đã mở cửa trở lại đảo Phuket cho du khách đã tiêm phòng, nước này vẫn tiếp tục đối mặt với tỷ lệ nhiễm mới và tử vong kỷ lục, dẫn đến tình trạng phong toả một phần ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề như Bangkok.

Chú thích ảnh
Phuket đã mở cửa đón hàng trăm du khách đã tiêm chủng vào ngày 2/7/2021. Ảnh: Bloomberg

Số ca mắc trên toàn quốc tiếp tục tăng trong những tuần gần đây, một phần được thúc đẩy bởi biến thể Delta lây lan nhanh và tốc độ tiêm chủng chậm.  Hôm 3/7, Thái Lan ghi nhận 6.230 ca nhiễm mới - mức cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận 10.000 ca mới vào giữa tháng 5.

Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ ba và tồi tệ nhất của Thái Lan đã không cản trở kế hoạch mở cửa dần dần cho khách du lịch. Tháng trước, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố sẽ mở cửa trở lại du lịch quốc tế cho Thái Lan sau 120 ngày, hoặc vào giữa tháng 10. Bước đầu tiên, Phuket đã mở cửa trở lại cho hàng trăm du khách đã tiêm phòng vào giữa tuần trước.

Thái Lan, quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, đã mất khoảng 50 tỷ USD doanh thu du lịch vào năm ngoái do lượng khách nước ngoài giảm 83% xuống còn 6,7 triệu, từ mức kỷ lục 39,9 triệu vào năm 2019.

Giới chức cho biết Thái Lan sẽ tăng tốc tiêm chủng cho người già và người có bệnh nền, nhằm giảm số bệnh nhân COVID-19 nặng. Nhóm đối tượng này lên tới 17 triệu người. Hiện nay mới chỉ 0,7%, tương đương 83.000 người, trong độ tuổi trên 60 và 3,1% người có bệnh nền đã được tiêm hai liều vaccine. Chỉ có 2,9 triêu/66 triệu người dân được tiêm phòng đầy đủ.

Chú thích ảnh
Nhân viên Bộ giao thông phát khẩu trang cho người dân để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 3/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lào lần thứ 5 gia hạn lệnh phong toả

Chính phủ Lào ngày 4/7 đã gia hạn chỉ thị 15/TTg, tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa đến hết ngày 19/7 nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng đang có nhiều diễn biến phức tạp và biến chủng Delta nguy hiểm đã xuất hiện tại Lào. Đây là lần thứ 5 Chính phủ Lào gia hạn lệnh phong tỏa kể từ ngày 22/4 đến nay.

Chú thích ảnh
Phong tỏa một khu vực có trường hợp mắc COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 19/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, Chính phủ Lào tiếp tục đóng cửa các quán rượu và quán bar, karaoke, địa điểm giải trí, rạp chiếu phim, phòng chơi bi da, tiệm mát-xa, quán cà phê Internet; Các trung tâm thể thao trong nhà cũng tiếp tục bị đóng cửa, trong khi các môn thể thao có tiếp xúc như bóng đá và võ thuật vẫn bị cấm tại Thủ đô Viêng Chăn và mọi tỉnh có dịch; Các cơ sở giáo dục ở Thủ đô Viêng Chăn hoặc những tỉnh có các ca lây nhiễm cộng đồng sẽ tiếp tục bị đóng cửa trừ những nơi có cơ sở nội trú.

Tất cả nhà máy hoạt động trong khu vực Đỏ tiếp tục bị đóng cửa, trừ những nhà máy mà nhân viên đã được tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 và có ký túc xá trong khuôn viên…Việc ra vào các khu vực Đỏ vẫn bị cấm, trừ những người được phép, trong khi việc tụ tập hoặc tổ chức tiệc tùng bị cấm ở mọi hình thức….

Chú thích ảnh
Phong tỏa một khu vực có trường hợp mắc COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 19/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, để tạo điều kiện cho người dân và giảm tác động kinh tế và đời sống, Chính phủ Lào cho phép mở cửa trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ thực phẩm tươi sống; cho phép người dân tập thể dục ngoài trời ở những điểm công cộng và chơi các môn thể thao không tiếp xúc cơ thể.

Chính phủ Lào cũng cho phép các nhà hàng, quán cà phê, các khu du lịch và khu ẩm thực tại các vùng Xanh tiếp tục cung cấp dịch vụ ăn uống, nhưng không được phục vụ chất có cồn; Chính phủ cũng cho phép các cơ quan, doanh nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn cho nhân viên đi làm lại bình thường tại trụ sở nhưng phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch. Các cơ sở giáo dục ở mọi cấp học tại những tỉnh không có ca lây nhiễm cộng đồng tiếp tục được mở cửa…

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại bệnh viện ở Bekasi, Indonesia, ngày 1/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 4/7: Thêm 782 ca tử vong; 60 bệnh nhân Indonesia chết vì hết ôxy
COVID-19 tại ASEAN hết 4/7: Thêm 782 ca tử vong; 60 bệnh nhân Indonesia chết vì hết ôxy

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 42.000 ca nhiễm và 782 ca tử vong mới. Indonesia ra lệnh tăng cường sản xuất ôxy sau khi 60 bệnh nhân tử vong chỉ trong một ngày vì thiếu ôxy y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN