Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 30/6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 182.517.658 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.952.202 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 325.809 và 6.348 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 167.119.925 người, 11.445.531 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 80.012 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (64.903 ca), Ấn Độ (45.699 ca), và Argentina (24.065 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.463 ca), tiếp theo là Ấn Độ (với 1.256 ca) và Colombia (693 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.524.272 người, trong đó có 619.905 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.361.699 ca nhiễm, bao gồm 398.484 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 18.513.305 ca bệnh và 515.985 ca tử vong.
Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Moderna
Ngày 29/6, Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ) trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng nhằm có thể ứng phó với nguy cơ làn sóng lây nhiễm mới đang cận kề.
Như vậy, vaccine Moderna là vaccine thứ 4 được cấp phép sử dụng tại Ấn Độ, sau vaccine Covishield của hãng AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) phát triển và sản xuất tại Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII), vaccine Covaxin của hãng dược Bharat Biotech (Ấn Độ) và vaccine Sputnik V của Nga.
Chính phủ Ấn Độ đang chịu áp lực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng bằng cách cho phép nhập khẩu vaccine do nước ngoài sản xuất như vaccine dùng công nghệ mRNA của hãng Pfizer và hãng Moderna.
Kể từ khi Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà từ giữa tháng 1 đến nay, gần 327 triệu liều vaccine đã được sử dụng. Tuy nhiên, chỉ 6% người trưởng thành ở nước này (khoảng 57 triệu người) đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. Ấn Độ là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai trên thế giới (sau Mỹ), với hơn 30 triệu ca và gần 398.000 ca tử vong.
Mỹ: Biến thể Delta sẽ sớm thống trị
Tại Mỹ, giới chức cảnh báo biến thể Delta có thể sẽ sớm trở thành biến thể chủ yếu ở nước này. Thống kê của trang covSpectrum cho thấy biến thể Delta tiếp tục lây lan mạnh và hiện chiếm 35,6% số ca mắc trong 2 tuần qua.
Giới chuyên gia cảnh báo những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta dễ lây lan. Theo nghiên cứu của Anh, vaccine của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% trong phòng ngừa biến thể Delta nếu tiêm đủ 2 liều, nhưng nếu tiêm một liều chỉ đạt hiệu quả 33%.
Nga: Ca tử vong cao kỷ lục
Tại châu Âu, Nga ngày 29/6 ghi nhận thêm 652 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca tử vong lên tới 134.545 ca. Số ca tử vong tăng cao kỷ lục do biến thể Delta đã làm gia tăng số ca nhiễm ở Nga. Nga cũng có thêm 20.616 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 5.493.557 ca.
Trong một diễn biến khác, theo hãng thông tấn RIA, Viện Gamaleya phát triển vaccine Sputnik V của Nga ngày 29/6 cho biết vaccine này đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng chống biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vốn có tốc độ lây lan rất nhanh.
Trong khi đó, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết vaccine Sputnik V đạt hiệu quả 97,8% trong phòng chống virus SARS-CoV-2 và hiệu quả 100% đối với các ca bệnh nghiêm trọng ở các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Australia phong tỏa gần một nửa dân số
Chính quyền bang Queensland của Australia vừa ban bố lệnh phong tỏa kéo dài 3 ngày đối với khu vực Đông Nam bang này và một số khu vực lân cận từ 18h ngày 29/6, sau khi địa phương này ghi nhận 2 ca mắc mới bệnh COVID-19 trong cộng đồng trong 24 giờ qua.
Với lệnh phong tỏa trên, khoảng 12 triệu người Australia, tương đương gần một nửa dân số quốc gia lớn nhất châu Đại Dương này, sẽ phải ở nhà theo lệnh phong tỏa của chính quyền các địa phương nhằm đối phó với sự bùng phát của các ca nhiễm mới do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra. Cụ thể, ngoài 4 triệu dân ở bang Queensland, hiện khoảng 5,7 triệu người ở khu vực Sydney của bang New South Wales, 2 triệu người ở khu vực Perth và Peel của bang Western Australia, và hàng trăm nghìn người ở khu vực thành phố Darwin của Lãnh thổ phía Bắc đang phải sống trong các điều kiện phong tỏa nghiêm ngặt.
Cư dân ở các khu vực bị phong tỏa chỉ có thể ra khỏi nhà vì 4 lý do thiết yếu, bao gồm đi mua thực phẩm hoặc các đồ dùng và dịch vụ thiết yếu khác, khám chữa bệnh (trong đó có đi tiêm vaccine ngừa COVID-19), tập thể dục ngoài trời theo nhóm không quá 10 người, đi làm hay đi học nếu không thể làm tại nhà.
Trong 24 giờ qua, Australia đã ghi nhận thêm 25 ca nhiễm mới trong cộng đồng, bao gồm 19 ca ở bang New South Wales, 2 ca ở bang Queensland, và 4 ca ở Lãnh thổ phía Bắc. Bang Western Australia không ghi nhận thêm ca nhiễm nào sau khi áp dụng lệnh phong tỏa khu vực Perth và Peel trong 4 ngày, kể từ đêm 28/6 do phát hiện 3 ca nhiễm trong cộng đồng. Các bang và vùng lãnh thổ khác ở Australia là Victoria, South Australia, Tasmania, vùng lãnh thổ thủ đô (ACT), không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng nhưng tuyên bố cấm người dân đến từ các địa phương bị ảnh hưởng bởi đại dịch và ban hành các hạn chế xã hội để phòng, chống dịch.
Biến thể Delta lây lan mạnh tại Pháp
Tương tự, Pháp thông báo biến thể Delta hiện là nguyên nhân gây ra khoảng 20% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này, tăng so với tỷ lệ 9-10% số ca mắc được ước tính vào tuần trước. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo tương tự các quốc gia khác trên thế giới, biến thể Delta đang dần trở nên áp đảo tại nước này vì đặc tính dễ lây lan hơn so với các biến thể khác.
Đức cũng cho biết các ca mắc mới biến thể Delta đã tăng hơn gấp đôi trong hơn một tuần qua. Việc biến thể mới này lây lan mạnh trên thế giới đã khiến một số quốc gia buộc phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đi lại.
Hà Lan đề nghị tiêm vaccine cho thanh thiếu niên
Hà Lan đề nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lứa tuổi thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra trong những tháng tới. Hội đồng Y tế Hà Lan ngày 29/6 cho biết sẽ đề nghị tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho lứa tuổi này bởi vaccine này đã được Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 5 vừa qua cấp phép sử dụng cho lứa tuổi từ 12 trở lên. Cho đến nay, chỉ có Mỹ, Canada, Pháp, Đức và một số nước châu Âu khác đã bắt đầu tiến hành tiêm phòng COVID-19 cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Nhờ chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh, số ca mắc COVID-19 ở Hà Lan trong những tuần gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua.
Hàn Quốc siết chặt nhập cảnh do lo ngại biến thể Delta
Tại Hàn Quốc, do lo ngại gia tăng về sự lây lan của biến thể Delta, Trung tâm an toàn và đối phó với thảm họa của nước này (CDSCH) đã công bố danh sách 21 quốc gia không được miễn cách ly 14 ngày, kể cả khi người nhập cảnh từ các nước này đã được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Trong số các nước này có Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Philippines, Nam Phi...
Indonesia bên bờ vực thảm hoạ
Trong khi đó, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây đang đẩy Indonesia bên bờ vực của một "thảm họa", khi biến thể Delta đang lây lan mạnh tại nước này khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Theo Straits Times, Indonesia dự kiến sẽ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn kể từ ngày 3/7 trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á đang vật lộn với làn sóng dịch thứ hai, đang trở nên trầm trọng hơn do biến thể Delta.
Thời gian qua, Indonesia vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp hạn chế hoạt động cộng đồng vi mô mà nhiều người cho rằng không còn hiệu quả nữa vì số ca nhiễm vẫn liên tục tăng cao và các bệnh viện trong tình trạng quá tải. Theo đó, biện pháp mới sẽ áp dụng nghiêm ngặt hơn, nhằm giảm nguy cơ Indonesia trở thành một “Ấn Độ thứ hai”.
Indonesia đang nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, song mới chỉ có 13,3 triệu trong số 181,5 triệu dân được tiêm đủ hai liều. Ngày 29/6, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này sẽ tiếp nhận 2 triệu liều vaccine AstraZeneca từ Nhật Bản vào tháng 7 tới. Đến nay, Indonesia đã nhận được tổng cộng 104 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Campuchia phát hiện hàng chục ca nhiễm biến thể Delta
Quốc vụ khanh đồng thời là người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine thông báo tính đến ngày 29/6, Campuchia phát hiện 22 ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại nước này.
Thông tin trên có sức cảnh báo lớn vì biến thể Delta làm tăng nhanh các ca mắc COVID-19 và giảm hiệu quả của vaccine. Biến thể này còn dễ lây lan trong nhóm những người trẻ tuổi và trẻ em, làm tăng các ca có triệu chứng nặng. Bộ Y tế kêu gọi tăng cường các biện pháp ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập Campuchia, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều lao động Campuchia mất việc làm tại Thái Lan đang tìm cách trở về nước.
Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 49.000 ca, trong đó có 723 ca mắc mới trong 24 giờ qua.
Malaysia: Ca mắc mới tăng vọt ở thủ đô Kuala Lumpur
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này phát hiện thêm 6.437 ca mắc COVID-19. Đặc biệt, thủ đô Kuala Lumpur ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục với 1.361 ca, chỉ sau bang Selangor với 2.299 ca.
Tính đến ngày 29/6, Malaysia đã phát hiện tổng cộng 745.703 ca mắc COVID-19. Quốc vương Malaysia Yang di-Pertuan Agong một lần nữa nhấn mạnh quốc hội cần sớm được triệu tập trở lại để thông qua tuyên bố về tình trạng khẩn cấp và Luật Khẩn cấp.
Cũng trong ngày 29/6, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 4.479 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.408.058 ca. Số người tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 24.557 người sau khi có thêm 101 bệnh nhân không qua khỏi.
Philippines, quốc gia có dân số hơn 110 triệu người, đã xét nghiệm cho hơn 13 triệu người kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nước này vào tháng 1/2020. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết tốc độ dịch bệnh lây lan ở vùng thủ đô Metro Manila đã chậm lại, nhưng người dân vẫn cần phải tiếp tục đề cao cảnh giác. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định duy trì các biện pháp phong tỏa ở vùng Metro Manila và các tỉnh lân cận cho đến tháng tới nhằm hạn chế sự lây lan của các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Philippines gia hạn quy định phòng dịch
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định kéo dài quy định hạn chế đi lại và kinh doanh ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận đến giữa tháng 7 tới, đồng thời duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ở các khu vực miền Trung và miền Nam.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm tại thủ đô đã giảm so với mức đỉnh hồi tháng 4, song tại một số tỉnh đang gia tăng trở lại. Các địa điểm vui chơi giải trí, công viên và các môn thể thao tiếp xúc đều bị cấm tại thủ đô và các tỉnh lân cận, trong khi nhà hàng, phòng tập và các điểm du lịch trong không gian kín được phép đón khách tương đương 40% công suất phục vụ.
Ngoài ra, Philippines cũng kéo dài lệnh cấm nhập cảnh từ Oman, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và hầu hết các quốc gia Nam Á nhằm ngăn chặn các biến thể lây lan nhanh.