COVID-19 tới 6h sáng 25/4: Thế giới vượt 147 triệu ca bệnh; Ấn Độ lại lập kỷ lục về ca mắc và tử vong

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 802.000 ca bệnh COVID-19 và trên 12.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 147 triệu ca, trong đó trên 3,1 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 5/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (349.165 ca), Brazil (70.105 ca) và Mỹ (trên 50.200 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (2.869 ca), Ấn Độ (2.760 ca) và Mỹ (732 ca).

Như vậy, xét về số ca mắc hàng ngày, Ấn Độ vẫn luôn đứng đầu thế giới trong những ngày gần đây. 

Xét về tổng số ca từ đầu dịch tới nay, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 585.800 ca tử vong trong tổng số 32,7 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 192.309 ca tử vong trong số 16,9 triệu ca bệnh. Tiếp sau Ấn Độ là Brazil với tổng cộng trên 14,3 triệu ca mắc, trong đó 389.492 ca tử vong.

Xét về khu vực, châu Âu tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong - với trên 43,7 triệu ca mắc, trong đó số ca tử vong gần chạm mức 1 triệu người. Pháp vẫn là nước có số ca mắc mới cao nhất khu vực này với 32.633 ca mắc trong vòng 24 giờ qua.

Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất 

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 13/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Ấn Độ cho hay nước này ghi nhận thêm 349.165 ca mắc mới COVID-19 và 2.760 ca tử vong do căn bệnh này. Đây là những con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Như vậy, Ấn Độ đã ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận trên 300.000 ca nhiễm/ngày, tiếp tục xu hướng gia tăng cao nhất thế giới trong thời gian qua. Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới 16,9 triệu ca, trong đó 192.309 người tử vong.

Trong vài ngày qua, tình hình COVID-19 tại Ấn Độ đã trở nên rất phức tạp khi số ca nhiễm hằng ngày không ngừng gia tăng, khiến hệ thống y tế của nước này đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và thuốc men trầm trọng, đặc biệt là thiếu nguồn cung oxy. Các quan chức tại bệnh viện Jaipur Golden ở Rohini, Delhi cho biết 20 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong do áp lực oxy thấp khi nguồn cung oxy của bệnh viện này cạn kiệt. Trong 24 giờ qua, thủ đô của Ấn Độ ghi nhận hơn 24.000 ca mắc mới COVID-19 và 348 ca tử vong, mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 23/4 có sự tham gia của thủ hiến các bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định chính phủ trung ương sẽ cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ cho tất cả các bang và yêu cầu chính quyền các bang phải xử lý nghiêm các hành vi tích trữ, buôn bán chợ đen các loại dược phẩm thiết yếu. Trong một cuộc gặp riêng rẽ với các nhà sản xuất oxy hàng đầu cả nước, ông Modi nhấn mạnh cần có sự phối hợp hiệu quả giữa chính phủ và các nhà sản xuất oxy.

Campuchia đóng cửa tất cả các chợ tại Phnom Penh

Chú thích ảnh
Beoung Keng Kang là một trong những chợ dân sinh hiếm hoi còn mở cửa khi Phnom Penh ban bố lệnh phong tỏa từ ngày 15/4. Ảnh: Trần Ngọc Long - P/v TTXVN tại Campuchia

Đêm 23/4, chính quyền Phnom Penh thông báo đóng cửa tất cả các khu chợ do nhà nước điều hành và chợ dân sinh tại thủ đô trong vòng 14 ngày. 

Chỉ đạo mới của chính quyền Phnom Penh được đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trên diện rộng vì các khu chợ này được xác định là nguồn lây nhiễm lớn cho cộng đồng. Thông báo cũng yêu cầu tất cả các tiểu thương và nhân viên bảo vệ có mặt tại các chợ trên từ ngày 14/4 đến nay phải đi xét nghiệm COVID-19. Sau đó, những người này phải tự cách ly trong vòng 14 ngày. Chính quyền cơ sở 14 quận tại Phnom Penh phải chịu trách nhiệm thi hành sắc lệnh này trong khi những người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Trước đó, hàng loạt chợ lớn và chợ dân sinh tại Phnom Penh đã bị đóng cửa sau khi hàng trăm tiểu thương và nhân viên bảo vệ, quản lý...có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Với sắc lệnh này của chính quyền thủ đô Phnom Penh, kể từ sáng ngày 24/4, người dân ở thủ đô Campuchia khó có thể mua được thực phẩm tươi sống vì chợ đã bị đóng cửa và tiểu thương phải đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Lào ghi nhận 88 ca mắc mới, nhiều địa phương thực hiện phong tỏa

Chú thích ảnh
Quang cảnh sáng sớm ngày thường ở Lào vốn đã vắng hôm nay càng vắng hơn do lệnh phong tỏa. Ảnh: Phạm Kiên - P/v TTXVN tại Lào

Chiều 24/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 xác nhận nước này có thêm 88 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 84 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo.

Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Lào ghi nhận mức tăng 2 con số. Đáng chú ý, các ca mắc mới đều là lây nhiễm cộng đồng, trong đó có cả trẻ em, với tâm điểm vùng dịch vẫn là thủ đô Viêng Chăn. 

Bộ Y tế Lào cũng cho biết một số bệnh nhân mới được ghi nhận đã di chuyển ra nhiều tỉnh bằng cả đường bộ và đường hàng không, gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trên diện rộng. Tại thủ đô Viêng Chăn, một số người sau khi lấy mẫu xét nghiệm không tự cách ly theo khuyến cáo mà tiếp tục di chuyển đến nhiều nơi, dẫn đến tình trạng “gần như mọi nơi ở Viêng Chăn đều có nguy cơ lây nhiễm”. Chính vì vậy, thủ đô Viêng Chăn đã mở rộng các điểm có nguy cơ cao do có liên quan đến các hoạt động của những bệnh nhân COVID-19 được phát hiện trong những ngày qua.

Trước bối cảnh tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều tỉnh trên cả nước Lào thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động vận tải hành khách, cấm ra vào địa phương và đóng cửa trường học để phòng chống dịch bệnh. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 10/18 tỉnh, thành phố của Lào ra lệnh phong tỏa, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam. Các tỉnh thành còn lại cũng tăng cường hàng loạt biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID- 19 vào địa bàn tỉnh, một số tỉnh thậm chí đã tiến hành cách ly 14 ngày đối với người về từ thủ đô Viêng Chăn.

Đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 247 ca mắc COVID-19 và chưa có trường hợp nào tử vong.

Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao chưa từng thấy

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 8/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc mới bệnh COVID-19 theo ngày ở Thái Lan tiếp tục tăng ở mức cao kỷ lục vào ngày 24/4, trong khi số người tử vong vì bệnh dịch này trong vòng 24 giờ qua cũng ở mức cao chưa từng thấy.

Ngày 24/4, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xác nhận thêm 2.839 ca nhiễm mới, tăng 769 ca so với con số của ngày hôm trước, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19  trên cả nước lên 53.022 ca. Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận chỉ có 12 ca nhập cảnh. Cùng ngày, CCSA cũng thông báo thêm 8 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 129 người. 

Bỉ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch

Tại cuộc họp của Ủy ban tham vấn về dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Bỉ đã quyết định tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 8/5 tới.

Theo đó, các nhà hàng, quán cà phê sẽ được phép mở cửa đón khách trở lại từ 8h - 22h hàng ngày nhưng phải kê bàn ngoài trời cách nhau 1,5m và đảm bảo không quá 4 khách/bàn, trừ những gia đình đông thành viên. Quy định cũng nêu rõ tổng số lượng khách ngồi tại các bàn ngoài trời không được vượt quá 50 người và tất cả các nhân viên phục vụ phải bắt buộc đeo khẩu trang. Riêng các quán bar vẫn chưa được hoạt động.

Ngoài ra, các sự kiện và hoạt động văn hóa cũng sẽ được mở dần nhưng không được vượt quá 50 tham dự trong sự kiện. Vào buổi đêm, lệnh giới nghiêm vẫn được giữ nguyên tới 5h sáng và cấm tụ tập trên 3 người.

Sáng tháng 6, các sự kiện trong nhà và ngoài trời sẽ được phép đón tiếp tới 200 người. Triển lãm, chợ trời sẽ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn vẫn phải được tuân thủ chặt.

Giới chức Bỉ nêu rõ việc mở cửa dần nền kinh tế và đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường sẽ được thực hiện tùy theo chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19.  Hiện số lượng các ca nhiễm mới COVID-19 ở Bỉ đang có dấu hiệu chững lại nhưng số bệnh nhân điều trị tích cực vẫn chưa thuyên giảm. Mỗi ngày Bỉ phát hiện trung bình trên 3.600 ca nhiễm mới.

Diễn biến liên quan vaccine và tiêm chủng trên thế giới:

Mỹ cho phép nối lại sử dụng vaccine của Johnson & Johnson

Chú thích ảnh
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Johnson & Johnson tại Chicago, Illinois, Mỹ ngày 6/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/4, các cơ quan quản lý y tế của Mỹ đã cho phép nối lại việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) sau 10 ngày tạm đình chỉ để điều tra các ca đông máu sau tiêm.

Trong tuyên bố chung, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức, cho phép tái khởi động tiêm vaccine J&J sớm nhất từ ngày 24/4.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky nhấn mạnh cơ quan này đã dỡ bỏ khuyến nghị tạm ngừng sử dụng vaccine của J&J. Bà nêu rõ dựa trên kết quả điều tra, các chuyên gia kết luận có thể có mối liên hệ giữa hiện tượng đông máu và việc tiêm vaccine J&J, song nguy cơ bị đông máu là rất thấp. 

Trước đó cùng ngày, ủy ban cố vấn của CDC Mỹ khuyến nghị sử dụng vaccine J&J cho người trên 18 tuổi - tương tự khuyến nghị của FDA. 

Tổng Giám đốc WHO lo ngại vaccine vẫn chưa đến tay các nước nghèo

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nêu quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa dịch COVID-19 khi tới nay vaccine vẫn chưa đến tay các nước nghèo. 

Phát biểu họp báo trực tuyến nhân dịp tròn một năm ra đời chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó dịch COVID-19 (ACT-A) đánh dấu sự ra đời của cơ chế chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu (COVAX), ông Tedros cho biết: "Gần 900 triệu liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 81% trong số đó là ở các quốc gia thu nhập cao hoặc trung bình, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 0,3%".

Người đứng đầu WHO đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 không công bằng và kêu gọi các nước giàu hơn chia sẻ lượng vaccine còn dư để hỗ trợ công tác tiêm chủng cho nhân viên y tế ở các nước thu nhập thấp. 

Châu Âu khẳng định lợi ích của vaccine AstraZeneca tăng theo độ tuổi người tiêm 

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan quản lý dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) dẫn kết quả đánh giá vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho thấy những người càng lớn tuổi càng có hiệu quả phòng bệnh cao và lợi ích của việc tiêm vaccine này ở người trưởng thành vẫn lớn hơn so với rủi ro.

Kết quả đánh giá trên được EMA công bố sau khi Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu cơ quan này xem xét những lo ngại về vấn đề an toàn của vaccine của AstraZeneca, nguyên nhân khiến một loạt quốc gia hạn chế sử dụng vaccine này ở người cao tuổi.

Trong tuyên bố, EMA nêu rõ độ tuổi của người tiêm vaccine của AstraZeneca và tỷ lệ lây nhiễm càng cao thì lợi ích của việc tiêm vaccine này càng cao. Tuyên bố nhấn mạnh các lợi ích của vaccine AstraZeneca ở người trưởng thành lớn hơn những rủi ro và việc xuất hiện huyết khối sau tiêm chỉ là phản ứng phụ rất hiếm gặp.

Trước đó cùng ngày, nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố khẳng định: "WHO tiếp tục cho rằng lợi ích của việc tiêm phòng vẫn lớn hơn nguy cơ". SAGE cho biết hầu hết các trường hợp huyết khối được ghi nhận tại Anh và Liên minh châu Âu (EU), rất hiếm có trường hợp ở các nước khác dù nhiều nước sử dụng vaccine này.

Thử nghiệm tại Chile không ghi nhận đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Valparaiso, Chile ngày 6/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia dịch tễ Chile thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) cho thấy không có trường hợp nào bị đông máu sau tiêm trong số 2.200 tình nguyện viên tham gia. 

Kết quả thử nghiệm của Đại học Chile được công bố chỉ thời gian ngắn sau khi lô vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca được chuyển tới nước này để phục vụ chương trình tiêm chủng quốc gia đang được Chính phủ Chile triển khai. Giáo sư Maria Elena Santolaya khẳng định không có bất kỳ tình nguyện viên nào trong mọi độ tuổi, giới tính gặp phản ứng phụ liên quan tới hiện tượng đông máu sau tiêm tại nước này. 

Canada hạ độ tuổi tiêm vaccine của AstraZeneca

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 22/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) đã hạ độ tuổi khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 của  Oxford-AstraZeneca.

NACI khuyến cáo nên sử dụng vaccine AstraZeneca cho những người từ 30 tuổi trở lên, nếu họ không muốn chờ vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA và lợi ích mà vaccine mang lại nhiều hơn rủi ro. Trước đây, NACI khuyến cáo chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho những người từ 55 tuổi trở lên.

Trước đó trong tuần, một số tỉnh của Canada cũng đã giảm độ tuổi tiêm vaccine AstraZeneca do dịch bệnh lây lan quá nhanh và đã có thêm dữ liệu cho thấy lợi ích của việc tiêm vaccine AstraZeneca vẫn vượt trội so với rủi ro. Cụ thể, hai tỉnh Ontario và Alberta cho những người từ 40 tuổi trở lên được tiêm vaccine này từ ngày 20/4, chậm hơn một ngày so với hai tỉnh British Columbia và Manitoba. Trong khi đó, tỉnh Quebec quy định độ tuổi tiêm vaccine AstraZeneca là từ 45 trở lên.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 24/4: Thái Lan có ca mắc và tử vong mới cao kỷ lục; Campuchia đóng cửa chợ ở thủ đô
COVID-19 tại ASEAN hết 24/4: Thái Lan có ca mắc và tử vong mới cao kỷ lục; Campuchia đóng cửa chợ ở thủ đô

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 24/4, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 19.892 ca mắc COVID-19 và 318 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.278.006 ca, trong đó 66.073 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN